Nhật báo Wall Street Journal ngày 29/10 cho rằng sự kiện Hải quân Mỹ ngày 27/10 tiến hành tuần tra xung quanh các đảo mà Trung Quốc bồi đắp trái phép trên Biển Đông sẽ khiến "chiến trường" ngoại giao châu Á tháng tới trở nên rất nhộn nhịp vì cả Bắc Kinh lẫn Washington đều sẽ tìm cách tận dụng một loạt cuộc gặp cấp cao sắp tới để lôi kéo các nước đứng về phía mình trong cuộc đối đầu trên biển này.
Tàu khu trục tên lửa USS Lassen của Mỹ. (Ảnh: EPA) |
Một quan chức cao cấp của Mỹ nói: "Chúng tôi đang khuyến khích các quốc gia sử dụng những quyền mà họ được hưởng theo luật pháp quốc tế, tương tự như cách chúng tôi sử dụng quyền của mình."
Trong khi đó, Trung Quốc hối thúc các quốc gia khước từ những nỗ lực của Mỹ, đồng thời cảnh báo Washington về những hậu quả nếu như Mỹ tiếp tục tiến hành các cuộc tuần tra xung quanh những đảo nhân tạo của Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo thường lệ vào ngày thứ 5 hàng tuần, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói: "Chúng tôi kêu gọi Mỹ không nên ngày càng trượt xa trên con đường sai lầm. Nhưng nếu Mỹ vẫn khăng khăng làm như vậy, chúng tôi sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết."
Những cuộc vận động ngoại giao công khai này phản ánh một cuộc chạy đua đang diễn ra tại khu vực, trong đó Trung Quốc tìm cách thách thức vị thế của Mỹ là cường quốc quân sự và kinh tế chi phối châu Á.
Giới phân tích cho rằng, cuộc tuần tra hôm 27/10 của hải quân Mỹ là nhằm mục đích trấn an các đồng minh và đối tác vốn đang quan ngại rằng Washington hành động chưa đủ mạnh để đáp trả các hành động quân sự của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, khi yêu cầu những nước đồng minh và đối tác phối hợp hành động với mình, Mỹ cũng đặt một số nước vốn phụ thuộc nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc vào thế phải lựa chọn rất khó khăn.
Nhật Bản, Australia và Philippines đã công khai bày tỏ ủng hộ cuộc tuần tra của Mỹ, song một số nước trong khu vực đưa ra những tuyên bố trung lập./.
(VIETNAM+)