Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn trang mạng livemint.com ngày 9/11 cho biết các nhà phân tích nhận định đến năm 2050, Ấn Độ có thể chiếm 18,8% nguồn nhân lực toàn cầu, qua đó có thể vượt Trung Quốc trở thành nước có nguồn lao động lớn nhất thế giới.
Phóng viên TTXVN tại New Delhi dẫn trang mạng livemint.com ngày 9/11 cho biết các nhà phân tích nhận định đến năm 2050, Ấn Độ có thể chiếm 18,8% nguồn nhân lực toàn cầu, qua đó có thể vượt Trung Quốc trở thành nước có nguồn lao động lớn nhất thế giới.
Một nữ công nhân Ấn Độ làm việc trong một nhà máy may, (Nguồn: Bloomberg) |
Theo phân tích số liệu của Liên hợp quốc, đến năm 2050, khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ chiếm gần 50% tổng nhân lực toàn thế giới, giảm so với mức 62% hiện nay. Tuy nhiên, Ấn Độ sẽ chiếm 18,8% nguồn nhân lực toàn cầu, giảm so với mức 17,8% hiện nay, trong khi Trung Quốc chỉ chiếm 13%, giảm so với mức 20,9% hiện nay.
Dự báo trên còn cho thấy tăng trưởng nguồn lao động ở châu Phi, theo đó, Nigeria sẽ leo lên vị trí thứ 3 so với vị trí thứ 9 như hiện nay, trong khi Ethiopia và Congo sẽ lọt vào top 10 nước có nguồn nhân lực dồi dào.
Tuy nhiên, một vấn đề đang đặt ra cho Ấn Độ hiện nay là làm thế nào để tạo việc làm cho dân số đông đúc. Một cuộc thăm dò được tiến hành với một số công ty, trong đó có các công ty hoạt động trong lĩnh vực đồ da, xe hơi và giao thông, cho thấy lượng việc làm mới trong 3 tháng đầu năm nay đã giảm xuống còn 64.000 so với mức 117.000 của cùng kỳ năm ngoái và 158.000 trong năm 2014.
Bên cạnh đó, người lao động Ấn Độ còn thiếu hụt kỹ năng làm việc. Thống kê cho thấy chỉ khoảng 5% lao động Ấn Độ được đào tạo kỹ năng chính thức - một con số quá thấp so với 96% ở Hàn Quốc.
Đây là nguyên nhân khiến Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đang phải quyết tâm thay đổi điều này khi quyết định thành lập một bộ phát triển kỹ năng và khởi nghiệp mới, đồng thời đặt ra mục tiêu đến năm 2022 sẽ đào tạo được 400 triệu công nhân.