Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân, các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc ngày 29/8 đồng loạt kêu gọi các quốc gia ký kết và phê chuẩn hiệp ước đa phương theo đó cấm mọi vụ nổ hạt nhân phục vụ cả mục đích dân sự lẫn quân sự trong bất kỳ môi trường nào.
Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân, các quan chức cấp cao của Liên hợp quốc ngày 29/8 đồng loạt kêu gọi các quốc gia ký kết và phê chuẩn hiệp ước đa phương theo đó cấm mọi vụ nổ hạt nhân phục vụ cả mục đích dân sự lẫn quân sự trong bất kỳ môi trường nào.
Một vụ nổ bom hạt nhân. Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters) |
Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh ngày 29/8 đánh dấu tròn 1/4 thế kỷ kể từ khi đóng cửa khu thử nghiệm hạt nhân Semipalatinsk ở Khazakhstan, nơi đã chứng kiến hơn 500 vụ nổ hạt nhân từ 1949 đến 1989, làm ô nhiễm 18 triệu km2 đất và đe dọa sức khỏe của trên dưới 1,5 triệu người.
Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh rằng hiệp ước cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện (CTBT) "sẽ chấm dứt được những di sản chết chóc đồng thời tạo thêm đà cho những biện pháp giải giáp khác bằng cách chứng tỏ sự hợp tác đa phương là hoàn toàn có thể, và điều này sẽ gây dựng lòng tin cho những biện pháp an ninh khu vực khác, trong đó có một khu vực Trung Đông không có vũ khí hạt nhân cùng tất cả các loại vũ khí hủy diệt khác."
Cho tới nay, đã có 183 quốc gia ký kết CTBT, trong số đó có 164 quốc gia đã phê chuẩn. Để hiệp ước có hiệu lực, cần có sự phê chuẩn của cái gọi là các quốc gia nằm trong Phụ lục 2. Hiện còn 8 quốc gia trong phụ lục 2 chưa phê chuẩn hiệp ước, đó là Trung Quốc, Triều Tiên, Ai Cập, Ấn Độ, Iran, Israel, Pakistan và Mỹ.
Thông điệp của người đứng đầu Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia nằm trong Phụ lục 2 sớm ký kết CTBT để mở ra con đường tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Ông cũng nhấn mạnh rằng sức mạnh của ý chí chính trị có thể phá vỡ sự bế tắc lâu nay, điều này đã được thể hiện qua việc nhất trí thông qua Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững và Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu.
Về phần mình, Chủ tịch Đại hội đồng Lên hợp quốc ông Mogens Lykketoft đưa ra thông điệp rằng CTBT phải được xem là "công cụ quan trọng trong hành trình của chúng ta nhằm đạt được một thế giới không có vũ khí hạt nhân" đồng thời ông kêu gọi các quốc gia chưa phê chuẩn văn kiện này sớm hành động để CTBT có hiệu lực.
Ông cũng lưu ý rằng việc tạm ngừng thử hạt nhân đã có tác động tích cực lên môi trường an ninh quốc tế, do đó cần phải tiếp tục những nỗ lực bền bỉ và đồng bộ để giảm bớt số lượng vũ khí hạt nhân trên toàn cầu và thực hiện mục tiêu cuối cùng là giải giáp toàn diện dưới sự kiểm soát chặt chẽ và hiệu quả của quốc tế.
Năm 2009, Đại hội đồng Liên hợp quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết lấy ngày 29/8 làm Ngày Quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân nhằm mục đích nâng cao nhận thức và giáo dục về "những tác động của các vụ thử hạt nhân và sự cần thiết phải chấm dứt những vụ thử như vậy, đồng thời xem đây là một trong những biện pháp để đạt được mục tiêu đảm bảo thế giới không có vũ khí hạt nhân"./.
(TTXVN/VIETNAM+)