Ngày 20/10, đại diện các tổ chức chính trị, xã hội, cựu chiến binh và đông đảo người dân Argentina đã biểu tình trước cửa Đại sứ quán Anh tại thủ đô Buenos Aires để phản đối quân đội Anh tập trận tại quần đảo tranh chấp Malvinas mà London gọi là Falklands.
Ngày 20/10, đại diện các tổ chức chính trị, xã hội, cựu chiến binh và đông đảo người dân Argentina đã biểu tình trước cửa Đại sứ quán Anh tại thủ đô Buenos Aires để phản đối quân đội Anh tập trận tại quần đảo tranh chấp Malvinas mà London gọi là Falklands.
Quần đảo tranh chấp nằm ở Nam Đại Tây Dương mà Buenos Aires gọi là Malvinas và London gọi là Falklands. (Nguồn: AFP) |
Những người biểu tình giương cao cờ, khẩu ngữ phản đối vụ tập trận nói trên và phê phán chính phủ vì đã không có hành động cứng rắn hơn đối với các hoạt động quân sự của Anh tại Malvinas, bao gồm cả vụ phóng tên lửa Rapier.
Trước đó, những người biểu tình đã viếng thăm Đài tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh tại Malvinas.
Ngày 14/10, Bộ Ngoại giao Argentina đã gửi công hàm phản đối chính thức thông báo tập trận tại Malvinas/Falklands và yêu cầu phía Anh không diễn tập quân sự tại quần đảo này.
Trong khi đó, London cho biết đây là những cuộc tập trận thường kỳ được tổ chức một năm 2 lần tại quần đảo này, trong đó có việc phóng tên lửa tầm ngắn để bảo vệ các căn cứ không quân thuộc quần đảo.
Quần đảo Malvinas/Falklands nằm cách bờ biển Argentina khoảng 650 km và cách Anh gần 8.000 km. Tranh chấp chủ quyền chung quanh những quần đảo nói trên có từ năm 1820 khi mà Argentina tiếp quản những quần đảo này từ Tây Ban Nha và triển khai lực lượng quân sự đến đó.
Tuy nhiên, đến năm 1883, Anh chiếm giữ những hòn đảo này và khẳng định chủ quyền tại đây.
Đến năm 1982, quân đội Anh và Argentina từng có cuộc giao chiến đẫm máu liên quan đến chủ quyền quần đảo Malvinas/Falklands.
Liên hợp quốc đã ra nhiều nghị quyết yêu cầu hai nước tìm biện pháp giải quyết tranh chấp hòa bình, song Chính phủ Anh cho rằng không tồn tại tranh chấp về chủ quyền quần đảo và chỉ thảo luận với Argentina về vấn đề này khi người dân tại đây thể hiện nguyện vọng.
Năm 2013, Anh đã tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân, trong đó đa số người dân sinh sống trên quần đảo bày tỏ vẫn muốn tiếp tục chịu sự quản lý của Anh, điều mà Argentina không chấp nhận./.