Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, ngày 16/10, cựu Tổng thống Colombia Alvaro Uribe, người đứng đầu phe phản đối thỏa thuận hòa bình đã đạt được giữa Chính quyền của Tổng thống Juan Manuel Santos và Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (FARC), hối thúc hai bên nhanh chóng ký thỏa thuận mới với "những sửa đổi tận gốc rễ."
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos (thứ 2, trái) và thủ lĩnh FARC Timoleon Jimenez (thứ 2, phải) tại lễ ký kết thỏa thuận hòa bình ở Cartagena, Colombia ngày 26/9. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Trước đó, trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 2/10, người dân Colombia đã bác bỏ thỏa thuận hòa bình được ký hôm 26/9 giữa Chính quyền và FARC. Ông Uribe là người đã cầm đầu chiến dịch phản đối.
Sau cuộc trưng cầu dân ý, Tổng thống Santos đã thành lập một ủy bản đối thoại với đảng Trung tâm Dân chủ (CD) của ông Uribe để thảo luận về khả năng sửa đổi các điều khoản trong thỏa thuận hòa bình, trong đó có việc yêu cầu xét xử những người có trách nhiệm thuộc FARC trong cuộc xung đột vũ trang kéo dài suốt 52 năm qua, cũng như không cho tổ chức này quyền ưu tiên khi tham gia chính trường như việc có 5 ghế tại Thượng viện và 5 ghế tại Hạ viện.
Trong một thông cáo ra cùng ngày, CD cũng lên tiếng bác bỏ bài xã luận của tờ The New York Times đăng hôm 14/10 vừa qua, khi cho rằng ông Uribe đã cản trở hòa bình của Colombia và kêu gọi ông này cần có thái độ xây dựng đất nước.
Theo CD, bài viết của tờ báo Mỹ nói trên là sự xúc phạm đối với hàng triệu người Colombia đã bác bỏ thỏa thuận hòa bình.
Trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 2/10, chỉ có 37% cử tri Colombia tham gia bỏ phiếu. Những người bác bỏ thỏa thuận chiếm 50,2%, trong khi những người đồng ý chiếm 49,8%. Hai nhóm cử tri này chỉ chênh lệch 61.000 lá phiếu.
Ra đời năm 1964, FARC là nhóm vũ trang lớn nhất Colombia. Theo thống kê, cuộc xung đột vũ trang bùng phát từ năm 1964 tại quốc gia Nam Mỹ này đã cướp đi sinh mạng của 260.000 người, làm 45.000 người mất tích và khoảng 6,9 triệu người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn./.
(TTXVN/VIETNAM+)