Phát biểu với báo giới trước khi bước vào cuộc họp Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 17/10 tại Luxembourg, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini cho biết tại cuộc họp này EU sẽ không xem xét các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, nhưng để ngỏ khả năng áp đặt trừng phạt bổ sung đối với chính quyền Syria.
Phát biểu với báo giới trước khi bước vào cuộc họp Ngoại trưởng các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) diễn ra ngày 17/10 tại Luxembourg, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini cho biết tại cuộc họp này EU sẽ không xem xét các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga, nhưng để ngỏ khả năng áp đặt trừng phạt bổ sung đối với chính quyền Syria.
Ảnh minh họa. (Nguồn: euintheus.org) |
Bà Federica Mogherini nêu rõ mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng đã đề cập nhiều đến các biện pháp trừng phạt đối với Nga song vấn đề đó sẽ không được đưa ra thảo luận trong cuộc họp lần này.
Bà nhấn mạnh EU hiện có nhiều công cụ khác nhau ngoài các biện pháp trừng phạt. Bà cho biết hiện tại, chỉ có duy nhất một quốc gia thành viên đề cập việc đưa vấn đề trừng phạt Nga ra thảo luận.
Tuy nhiên, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU tuyên bố khối này có thể đưa ra quyết định về các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Theo bà, các bộ trưởng EU có thể đưa thêm các nhân vật người Syria bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh hay vi phạm nhân quyền vào danh sách trừng phạt.
Chủ đề chính của cuộc họp Ngoại trưởng các nước thành viên EU lần này là thảo luận về tình hình Syria, đặc biệt là về chiến sự đang diễn ra tại thành phố Aleppo, trong bối cảnh phương Tây và Nga đang có bất đồng sâu sắc về tiến trình hòa bình tại nước này.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết EU sẽ xem xét tất cả các biện pháp nhằm gây sức ép mạnh mẽ hơn đối với Tổng thống Bashar al-Assad và đồng minh của ông này.
Các biện pháp trừng phạt của EU đối với Syria đã được gia hạn từ cuối tháng 5/2016 đến tháng 6/2017.
Hơn 200 nhân vật và 70 thực thể - kể cả các công ty và các tổ chức - đã bị cấm đi lại và phong tỏa tài sản.
Các biện pháp khác bao gồm lệnh cấm vận dầu mỏ, hạn chế đầu tư, phong tỏa tài sản của ngân hàng trung ương Syria tại EU và hạn chế xuất khẩu.
Trước đó, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã lần lượt tiến hành hai cuộc bỏ phiếu và đều bác bỏ hai dự thảo nghị quyết do Pháp và Nga soạn thảo liên quan tới Syria./.
(TTXVN/VIETNAM+)