44 nghị sỹ thuộc các đảng phái ở Campuchia chỉ nhận được tổng cộng dưới 5% số phiếu bầu của cử tri trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2013 đã nhận ghế trong Quốc hội vào ngày 27/11, thay thế các đại diện của đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) đã giải tán.
44 nghị sỹ thuộc các đảng phái ở Campuchia chỉ nhận được tổng cộng dưới 5% số phiếu bầu của cử tri trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 2013 đã nhận ghế trong Quốc hội vào ngày 27/11, thay thế các đại diện của đảng Cứu nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) đã giải tán.
Các nghị sỹ dự một phiên họp tại Phnom Penh. (Nguồn: EPA/TTXVN) |
Chủ tịch đảng Bảo hoàng FUNCINPEC, cựu Thủ tướng thứ nhất trong Chính phủ liên minh đảng Nhân dân (CPP)-FUNCINPEC sau cuộc bầu cử do Liên hợp quốc bảo trợ năm 1993, Hoàng thân Norodom Ranaridh đã bày tỏ vui mừng sau khi các thành viên đảng này, vốn chỉ nhận được 3,66% phiếu ủng hộ trong cuộc bầu cử trước, nhận ghế trong Quốc hội. Người phát ngôn FUNCINPEC Nheb Bun Chhin cũng tuyên bố đảng này sẽ hoạt động với tư cách “một đảng nhỏ” hơn là một đảng đối lập.
Trong khi đó, ông Seng Sokheng, Chủ tịch CNP, vốn chỉ nhận 0,58% số phiếu ủng hộ, nói rằng ông tiếp nhận ghế Quốc hội với mong muốn được phục vụ nhân dân và làm hài lòng các của cử tri đã bầu cho đảng. Ông Huon Reach Chamroeun, Chủ tịch KEDP, nhận 029% trong cuộc bầu cử trước, nói rằng đảng của ông sẽ trở thành đảng đối lập với CPP cầm quyền.
Trước đó, hai đảng Liên minh vì dân chủ (LDP) và Khmer chống đói nghèo (KAP) đều từ chối nhận các ghế được chia cho mình, tạo cơ hội cho CPP có thêm 11 ghế còn lại trong tổng số 55 ghế nghị sỹ của CNRP để lại sau khi giải tán và đã được Ủy ban Bầu cử quốc gia Campuchia (NEC) chấp nhận ngày 27/11.
Người phát ngôn CPP Sok Eysan tuyên bố đảng của ông sẽ quyết định danh sách ứng cử viên cho 11 ghế trên dựa theo kết quả kiểm phiếu từ cuộc bầu cử Quốc hội năm 2013 và sẽ nhanh chóng gửi cho NEC.
Thực tế những thay đổi trong Quốc hội này đã tạo lợi thế cho đảng cầm quyền CPP, không còn đối mặt với thách thức trong cuộc bầu cử Quốc hội 2018 nếu được tiến hành, đồng thời củng cố sự lãnh đạo xuyên suốt từ cấp trung ương đến địa phương./.