Báo Đồng Nai điện tử
En

Bulgaria đối mặt nhiều vấn đề nóng khi giữ chức Chủ tịch luân phiên EU

03:12, 30/12/2017

Bulgaria, nước sẽ giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) từ 1/1/2018, mong muốn sẽ trở thành cầu nối Đông Âu và Tây Âu, nhất là giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU, để có thể đạt thỏa thuận trên nhiều vấn đề nóng hiện nay, trong đó có việc giải quyết vấn đề người di cư.

Bulgaria, nước sẽ giữ chức Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU) từ 1/1/2018, mong muốn sẽ trở thành cầu nối Đông Âu và Tây Âu, nhất là giữa Thổ Nhĩ Kỳ và EU, để có thể đạt thỏa thuận trên nhiều vấn đề nóng hiện nay, trong đó có việc giải quyết vấn đề người di cư.
Thủ tướng Bulgaria Boïko Borissov. (Nguồn: AFP)
Thủ tướng Bulgaria Boïko Borissov. (Nguồn: AFP)
Theo phóng viên TTXVN tại Brussels, nhiệm vụ của Chủ tịch luân phiên EU năm 2018 là giải quyết các vấn đề như ngân sách EU sau năm 2020, kế hoạch cải tổ Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chưa thể thúc đẩy do chưa thành lập được chính phủ mới tại Đức, tăng cường hợp tác về quốc phòng, yêu cầu về cải cách các thể chế châu Âu hậu Brexit (Anh rời khỏi EU) cũng như quá trình hướng tới thị trường số chung của châu Âu.

Ngoại trưởng Bulgaria Ekaterina Zaharieva cho biết khẩu hiệu của nước chủ tịch luân phiên EU nhiệm kỳ này là "thống nhất làm nên sức mạnh."

Về vấn đề người di cư, các nhà lãnh đạo EU hy vọng từ nay đến tháng 6/2018 có thể giải quyết được vấn đề cải tổ chính sách về tị nạn với việc sửa đổi quy định Dublin, hiện đang giao trách nhiệm xử lý đơn của người di cư cho những nước tuyến đầu tiếp nhận người nhập cư và họ đang phải chịu gánh nặng vượt quá tầm kiểm soát kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng người di cư.

Thủ tướng Bulgaria Boïko Borissov bày tỏ mong muốn thúc đẩy cải thiện mối quan hệ giữa EU với Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia láng giềng quan trọng với 259 km đường biên giới chung.

Ông Borissov nhấn mạnh EU phải giữ được thỏa thuận về người nhập cư ký kết với Thổ Nhĩ Kỳ năm 2016, vốn cho phép giảm đáng kể làn sóng người di cư từ Trung Đông vào châu Âu, trong đó Bulgaria là một cửa ngõ quan trọng.

Trái ngược với các nước thuộc khối Visegrad (Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary và Slovakia), Bulgaria không phải đối chính sách của EU về tái phân bổ người di cư.

Tiếp nối Estonia, Bulgaria cũng sẽ khởi động vòng đàm phán của các lãnh đạo EU với nước Anh về một giai đoạn chuyển đổi hậu Brexit cũng như khuôn khổ tương lai mối quan hệ thương mại giữa hai bên.

Đại diện Bulgaria bên cạnh EU Ognian Zlatev nhấn mạnh chương trình nghị sự năm tới được cho là rất nặng nề, một phần nguyên nhân là do 2018 cũng là năm cuối nhiệm kỳ Ủy ban châu Âu trước khi diễn ra các cuộc bầu cử vào năm 2019.

Bulgaria cũng rất kỳ vọng vào nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên đầu tiên của mình để có thể cải thiện hình ảnh đất nước.

Là thành viên nghèo nhất trong khối, Bulgaria gia nhập EU năm 2007 và hiện đang nỗ lực thuyết phục EU rằng đất nước này xứng đáng được hội nhập vào khối tự do đi lại Schengen và trong dài hạn là Eurozone.

Với tinh thần hòa giải, Chính phủ Bulgaria được kỳ vọng sẽ có thể giúp EU hóa giải được nhiều vấn đề gai góc mà khối này đang phải đối mặt./.
(TTXVN/VIETNAM+)

 

Tin xem nhiều