Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 13/12, hàng nghìn người Togo đã tuần hành trên nhiều con phố ở thủ đô Lome nhằm tẩy chay các cuộc tham vấn do chính phủ đề xuất để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, ngày 13/12, hàng nghìn người Togo đã tuần hành trên nhiều con phố ở thủ đô Lome nhằm tẩy chay các cuộc tham vấn do chính phủ đề xuất để chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này.
(Nguồn: iStock) |
Hiện Chính phủ Togo đang chuẩn bị tham vấn với các chính đảng về việc tổ chức một cuộc đối thoại theo lời kêu gọi của cộng đồng quốc tế.
Phe đối lập chỉ trích chính phủ đang đơn phương tiến hành các cuộc họp, trong khi nỗ lực hòa giải quốc tế đang được tiến hành song song, đặc biệt là thông qua vai trò trung gian của Tổng thống Ghana Nana Akufo-Addo và người đồng cấp Guinea, Alpha Conde.
Thủ lĩnh phe đối lập, Jean-Pierre Fabre, cho biết họ không tham gia đàm phán và đưa ra các sáng kiến để làm trì hoãn cuộc họp của chính phủ, đồng thời sẽ kêu gọi người dân Togo tiếp tục biểu tình yêu cầu chính phủ tuân thủ Hiến pháp 1992.
Hiến pháp này quy định tổng thống chỉ được phục vụ 2 nhiệm kỳ, do đó Tổng thống Faure Gnassingbe phải rời nhiệm sở.
Phe đối lập đã tổ chức biểu tình gần như hàng tuần với quy mô lên đến hàng nghìn người hoặc thậm chí là hàng chục nghìn kể từ đầu tháng Chín đến nay để phản đối việc gia đình Tổng thống Gnassingbe nắm quyền điều hành đất nước liên tục trong hơn 50 năm qua.
Tổng thống Gnassingbe nắm quyền từ năm 2005, sau khi cha ông là Gnassingbe Eyadema đã "cai trị" đất nước này liên tục trong 38 năm.
Chính phủ Togo dự định sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để thông qua việc cải cách Hiến pháp 1992 nhằm tăng thêm nhiệm kỳ của tổng thống. Điều đó sẽ cho phép Tổng thống đương nhiệm Gnassingbe tiếp tục tranh cử trong các cuộc bầu cử năm 2020 và 2025./.
(TTXVN/VIETNAM+)