Năm 2017 là một năm u ám đối với lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc khi có tới 56 binh sỹ thiệt mạng khi làm nhiệm vụ tại các điểm nóng trên thế giới. Đây cũng là mức thiệt hại về người cao nhất của lực lượng này kể từ năm 1994.
Phái bộ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan. (Nguồn: AP) |
Trong báo cáo "Cải thiện An ninh cho Lực lượng Gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc: Cần thay đổi cách làm việc" công bố ngày 22/1, các quan chức Liên hợp quốc cho biết con số thương vong này đã tăng kể từ năm 2013, nâng tổng số binh sỹ thiệt mạng trong 5 năm qua lên 195 người, mức cao nhất tính theo đơn vị 5 năm.
Báo cáo nhấn mạnh cần phải thay đổi thực trạng này.
Từ năm 1948 đến nay đã có hơn 3.500 nhân viên Liên hợp quốc thiệt mạng khi phục vụ trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, trong đó 943 người thiệt mạng trong các tình huống bạo lực. Trong giai đoạn 2013-2017, số binh sỹ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc thiệt mạng do bạo lực đã tăng mạnh (195 người).
Nhằm đảo ngược xu hướng trên và cải thiện mức độ an toàn và an ninh cho các binh sỹ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã bổ nhiệm trung tướng về hưu Carlos Alberto dos Santos Cruz phụ trách việc theo dõi đánh giá sâu về tình hình thương vong của binh sỹ gìn giữ hòa bình do các hành động thù địch, tìm hiểu nguyên nhân và đề xuất giải pháp. Trong quá trình đánh giá, nhóm của tướng Cruz đã thị sát các điểm nóng tại Cộng hòa dân chủ Congo, Cộng hòa Trung Phi, Mali và Nam Sudan, thu thập các số liệu liên quan và tiến hành 160 cuộc phỏng vấn.
Báo cáo trên khẳng định với các nhóm vũ trang, phần tử cực đoan, tội phạm có tổ chức và các phần tử tội phạm...lá cờ của Liên hợp quốc không có ý nghĩa.
Nhóm của tướng Cruz cũng khuyến cáo các giải pháp mà Liên hợp quốc và các nước thành viên cần hành động ngay để giảm thương vong cho binh sỹ gìn giữ hòa bình, gồm thay đổi suy nghĩ rằng các nhân viên gìn giữ hòa bình ý thức được nguy cơ và chủ động đề phòng, ngăn chặn và đối phó với các cuộc tấn công; cải thiện các năng lực sao cho phái bộ và nhân viên Liên hợp quốc được trang bị và huấn luyện để hoạt động trong các môi trường tiềm ẩn nhiều nguy cơ....động để tránh thương vong khi làm nhiệm vụ.
Báo cáo nhấn mạnh để ngăn chặn, phòng ngừa các vụ tấn công nhằm vào binh sỹ đa quốc gia, các phái bộ gìn giữ hòa bình được trang bị các loại thiết bị hiện đại như xe vận tải chống mìn, các vũ khí đặc biệt và kính nhìn xuyên đêm.
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Gìn giữ hòa bình và hỗ trợ tác chiến đã đưa ra một kế hoạch hành động tập trung vào 3 mặt chính: hành vi và ý thức thực thi nhiệm vụ; xây dựng năng lực và khả năng sẵn sàng ứng phó; và các vấn đề hỗ trợ./.
(TTXVN/VIETNAM+)