Báo Đồng Nai điện tử
En

Việt Nam thể hi​ện vai trò tích cực điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ

03:01, 22/01/2018

Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-Ấn Độ và Lễ kỷ niệm 69 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ ( 26/1) từ ngày 24-26/1/2018 tại New Delhi, Ấn Độ. 

 

Nhận lời mời của Thủ tướng nước Cộng hòa Ấn Độ Narendra Modi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm ASEAN-Ấn Độ và Lễ kỷ niệm 69 năm Ngày Cộng hòa Ấn Độ ( 26/1) từ ngày 24-26/1/2018 tại New Delhi, Ấn Độ.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Trưởng đoàn chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 15. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và các Trưởng đoàn chụp ảnh chung tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 15. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

ASEAN-Ấn Độ tiếp tục phát triển toàn diện 

Trong suốt lịch sử của mình, ASEAN luôn có quan hệ tốt đẹp với Ấn Độ. Năm 2017, hai bên kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN-Ấn Độ, 15 năm hình thành cơ chế cấp cao, 5 năm quan hệ đối tác chiến lược. Trong thời gian qua, ASEAN-Ấn Độ tiếp tục phát triển toàn diện trên cả ba trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế, văn hóa-xã hội. Hai bên đã thiết lập 30 cơ chế chế đối thoại bao gồm: cấp cao, 7 cuộc họp cấp Bộ trưởng; triển khai Kế hoạch hành động giai đoạn 2016-2020, đã có 67/130 biện pháp đã và đang được triển khai (18 biện pháp về chính trị- an ninh, 22 biện pháp về kinh tế, 20 biện pháp về văn hóa-xã hội và 7 biện pháp về các lĩnh vực đa ngành). 

Về hợp tác chính trị-an ninh, Ấn Độ tái khẳng định ASEAN là trọng tâm trong chính sách Hành động Hướng Đông, cam kết sâu hơn và hành động thiết thực hơn với khu vực, chia sẻ quan điểm ASEAN về xây dựng cấu trúc khu vực dựa trên luật lệ, mở, toàn diện, cân bằng. Ấn Độ tiếp tục coi kết nối toàn diện với ASEAN là một trọng tâm thông qua việc bước đầu triển khai khoản tín dụng 1 tỷ USD cho các dự án kết nối, đề xuất lập Nhóm đặc trách ASEAN-Ấn Độ về kết nối, tăng thêm 50 triệu USD cho Quỹ hợp tác ASEAN-Ấn Độ... 

Về Biển Đông, Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải, hàng không và thương mại không bị cản trở; giải quyết bất đồng thông qua các biện pháp hòa bình, bao gồm tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, phù hợp với luật pháp quốc tế trong đó có Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982); tất cả các bên liên quan tranh chấp ở Biển Đông tuân thủ các nguyên tắc thực thi Tuyên bố của các bên về ứng xử trên Biển Đông (DOC) và nỗ lực để sớm hoàn tất Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) trên cơ sở đồng thuận. 

Trong 10 năm qua, ASEAN- Ấn Độ có kim ngạch song phương tăng gần 2,5 lần, đạt gần 76 tỷ USD năm 2017. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Ấn Độ và Ấn Độ là đối tác thương mại đứng thứ 6 của ASEAN. Kể từ năm 2000, dòng vốn đầu tư giữa hai bên đã đạt 110 tỷ USD (trong đó đầu tư từ ASEAN là hơn 70 tỷ USD; đầu tư từ Ấn Độ đạt hơn 40 tỷ USD). Ấn Độ đang triển khai Quỹ Phát triển dự án trị giá 75 triệu USD để hỗ trợ các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam… 

Trong những năm qua, hợp tác văn hóa-xã hội, là lĩnh vực hợp tác năng động nhất giữa ASEAN và Ấn Độ. Nhiều hoạt động hợp tác văn hóa và giao lưu nhân dân tiếp tục diễn ra thường niên, định kỳ như: Chương trình trao đổi sinh viên ASEAN-Ấn Độ; Khóa đào tạo về ngoại giao cho các nhà ngoại giao ASEAN; Hội thảo quốc tế về các kết nối nền văn minh giữa ASEAN và Ấn Độ; Chương trình Trao đổi Truyền thông ASEAN-Ấn Độ; Chương trình Trao đổi Nông dân trẻ ASEAN-Ấn Độ và Mạng lưới Nghiên cứu ASEAN-Ấn Độ… 

Việt Nam duy trì đà phát triển quan hệ với Ấn Độ 

Quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời giữa Việt Nam và Ấn Độ hình thành từ những thập niên đầu thế kỷ 20, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Jawaharlan Nehru đặt nền móng và các thế hệ lãnh đạo cùng nhân dân hai nước dày công vun đắp. Hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 7/1/1972. Ấn Độ tích cực ủng hộ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất trước đây, cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển kinh tế sau này. Năm 2007, hai bên tuyên bố chính thức thiết lập quan hệ “Đối tác Chiến lược.” 

Đặc biệt, tháng 9/2016, quan hệ song phương được nâng cấp lên “Đối tác Chiến lược Toàn diện,” phản ánh sự phát triển sâu rộng, tin cậy và hiệu quả của quan hệ Việt Nam-Ấn Độ, đặc biệt trong bối cảnh hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2017. 

Quan hệ Việt Nam-Ấn Độ đang có những bước tiến chuyển quan trọng, nhất là sau khi hình thành khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện và các chuyến thăm song phương của Lãnh đạo cấp cao hai nước. 

Hai bên có những cơ chế hợp tác hiệu quả. Cơ chế Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam-Ấn Độ về khoa học, kỹ thuật và văn hóa, giáo dục, họp luân phiên 2 năm một lần ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao. Đến nay hai bên đã tiến hành họp được 15 kỳ họp. Cơ chế Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao, hai bên nhất trí thành lập Cơ chế Tham khảo chính trị thường niên ở cấp Thứ trưởng Ngoại giao, tổ chức họp luân phiên tại mỗi nước. Đến nay, hai bên đã tiến hành họp được 8 phiên, kỳ họp thứ 9 đã diễn ra vào tháng 10/2017. Về cơ chế Đối thoại chiến lược giữa hai Bộ Ngoại giao, hai bên đã tiến hành họp được 5 lần, kỳ họp thứ 6 đã được tổ chức tại Việt Nam vào tháng 10/2017. 

Quan hệ hợp tác an ninh, quốc phòng giữa hai nước tiếp tục phát triển tốt. Hợp tác quốc phòng hai nước đã được mở rộng trong cả 3 quân binh chủng hải, lục, không quân và tập trung vào 3 lĩnh vực đào tạo, công nghiệp quốc phòng và tàu thăm viếng. Hợp tác an ninh hai nước được tăng cường trong các lĩnh vực chia sẻ thông tin và kinh nghiệm phòng chống tội phạm, khoa học hình sự, phòng chống ma túy, chống khủng bố. 

Quan hệ kinh tế, thương mại song phương Việt Nam-Ấn Độ luôn có sự phát triển không ngừng. Kim ngạch thương mại hai chiều tăng dần qua các năm kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược. Ấn Độ hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng bình quân 16%/ năm trong giai đoạn 2008-2013. Kim ngạch thương mại năm 2017 ước đạt khoảng 7,5 tỷ USD (tăng mạnh 37,7% so với 2016); đạt 5,4 tỷ USD năm 2016. Tính đến hết tháng 11/2017, tổng vốn đăng ký đầu tư Ấn Độ vào Việt Nam đạt 756 triệu USD, với 168 dự án đầu tư tại 24/63 tỉnh/thành phố, đứng thứ 28/126 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Việt Nam hiện có 7 dự án đầu tư sang Ấn Độ với tổng vốn đăng ký là 6,15 triệu USD, chủ yếu trong lĩnh vực phân phối các sản phẩm thức ăn gia súc, phân phối vật liệu xây dựng, xuất khẩu mỹ phẩm, các sản phẩm tin học… 

Hiện nay, Việt Nam và Ấn Độ đều là thành viên của Hiệp định đầu tư ASEAN-Ấn Độ trong khuôn khổ Hiệp định thương mại tự do ASEAN-Ấn Độ ký ngày 12/11/2014. Hai bên đang thúc đẩy hợp tác phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua dự án thành lập “Trung tâm phát triển doanh nhân Việt Nam-Ấn Độ (VIEDC)” và Biên bản ghi nhớ về hợp tác doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Bên cạnh đó, quan hệ hợp tác giáo dục, văn hóa, thể thao và du lịch, nông nghiệp, năng lượng, khoa học – công nghệ cũng được hai bên thúc đẩy hợp tác, mang lại hiệu quả thiết thực. 

Hai bên phối hợp chặt chẽ và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc… Trong vai trò là điều phối viên quan hệ ASEAN-Ấn Độ (giai đoạn 2015-2018), Việt Nam ủng hộ Ấn Độ thực hiện Chính sách “Hành động hướng Đông,” các sáng kiến kết nối khu vực, hỗ trợ phát triển Tiểu vùng Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam, sông Hằng-sông Mekong (MGC). 

Hội nghị Cấp cao Kỷ niệm ASEAN-Ấn Độ lần này với chủ đề “Chia sẻ giá trị, cùng chung vận mệnh” là cơ hội thuận lợi để Việt Nam duy trì đà phát triển quan hệ với Ấn Độ, thể hiện vai trò tích cực điều phối quan hệ ASEAN-Ấn Độ./. 

(TTXVN/VIETNAM+)

ADVERTISEMENT

ADVERTISEMENT

Tin xem nhiều

ADVERTISEMENT