Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận về di cư sau gần 10 giờ hội đàm căng thẳng tại Brussels (Bỉ) xung quanh những vấn đề hóc búa đe dọa tới liên minh, khu vực tự do đi lại cũng như nguy cơ đổ vỡ của chính quyền Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được một thỏa thuận về di cư sau gần 10 giờ hội đàm căng thẳng tại Brussels (Bỉ) xung quanh những vấn đề hóc búa đe dọa tới liên minh, khu vực tự do đi lại cũng như nguy cơ đổ vỡ của chính quyền Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Người di cư trên tàu Lifeline ngày 21-6. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cho biết: "Các nhà lãnh đạo của 28 quốc gia thành viên EU đã nhất trí về những kết luận (của hội nghị thượng đỉnh), trong đó có vấn đề di cư".
Tương tự, Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel cũng nêu rõ: "Thỏa thuận về di cư đã đạt được".
Trong khi đó, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết thỏa thuận di cư EU bao gồm những điều khoản về tình nguyện tiếp nhận những người di cư tại EU, cải cách hệ thống tị nạn với sự đồng lòng của các nước thành viên.
Trước đó, Italy đã dọa phủ quyết bất kỳ thỏa thuận nào đưa ra tại hội nghị bàn về thương mại và an ninh, trừ khi khi các nước EU còn lại đáp ứng những yêu cầu của nước này về di cư.
Vấn đề người di cư là chủ đề chính trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày 28-29/6 tại Brussels.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk từng tuyên bố một số nhà lãnh đạo EU theo đường lối cứng rắn sẽ thúc đẩy mạnh hơn chính sách của khối chống người di cư nếu hội nghị này không thể đạt được thỏa thuận.
Ngày 27-6, tàu cứu hộ Lifeline chở hơn 200 người di cư mắc kẹt trên biển Địa Trung Hải gần một tuần qua đã được phép cập cảng Malta, sau khi các nước châu Âu nhất trí cùng tiếp nhận người di cư trên tàu.
Theo thông báo của Chính phủ Malta, sau khi cập cảng Valletta, thuyền trưởng tàu Lifeline đã bị đưa tới sở cảnh sát để thẩm vấn.
Tàu Lifeline của một tổ chức phi chính phủ ở Đức đã neo đậu trên vùng biển Malta trong 6 ngày qua để chờ cập cảng nước này sau khi giải cứu 234 người di cư ngoài khơi Libya.
Chính phủ Malta thông báo sẽ đóng cửa các cảng biển của nước này đối với những tàu cứu người di cư do các tổ chức phi chính phủ (NGO) vận hành, chờ kết quả cuộc điều tra vụ tàu cứu hộ Lifeline.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 28/6, Chính phủ Malta nhấn mạnh nước này cần xem xét kỹ lưỡng tình hình do chưa nắm được thông tin trước đây của tàu Lifeline sau những sự việc gần đây.
Tuyên bố nêu rõ Chính phủ Malta cần bảo đảm rằng các thực thể sử dụng dịch vụ cảng của Malta, cũng như hoạt động trong vùng biển của nước này phải tuân thủ luật pháp quốc gia và quốc tế.
Trong khi các cơ quan độc lập đang tiến hành điều tra tàu Lifeline và đến khi mọi việc được làm sáng tỏ, Malta không thể cho phép các thực thể sử dụng cảng của mình để hoạt động.
Tàu Lifeline được phép cập cảng Malta sau khi nước này cùng 7 nước khác gồm Italy, Luxembourg, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Ireland, Bỉ và Pháp đạt được thỏa thuận, theo đó mỗi nước đồng ý tiếp nhận một phần số người di cư được giải cứu.
Trước đó, tàu này đã bị cả Malta và Italy từ chối tiếp nhận. Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) cho rằng tàu Lifeline đã vi phạm luật pháp quốc tế khi giải cứu những người di cư trong khi có sự vào cuộc của lực lượng bảo vệ bờ biển Libya.
Quyết định của Italy và Malta không cho phép các tàu do các tổ chức phi chính phủ điều hành cứu hộ người di cư cập cảng đã đẩy châu Âu vào cuộc khủng hoảng chính trị về cách thức đối xử với người tị nạn.
Cuối tuần trước, 16 nhà lãnh đạo EU đã họp khẩn cấp tại Brussels về vấn đề tiếp nhận người di cư, song không đạt được thỏa thuận nào. Vấn đề người di cư cũng sẽ là trọng tâm trong cuộc họp thượng đỉnh EU tại Brussels trong hai ngày 28-29/6.
Nằm tại cửa ngõ vào châu Âu mà hàng trăm nghìn người di cư tìm đến đầu tiên sau khi trốn chạy khỏi chiến tranh và nghèo đói tại Trung Đông, Bắc Phi và nhiều khu vực khác, Italy và Malta đều cho rằng hai nước này chịu bất công khi phải một mình giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ 2 này.
Trong khi đó, nhiều nước châu Âu hối thúc thực hiện các chính sách mạnh tay hơn để ngăn chặn dòng người di cư.
Pháp trước đó cũng đã đề xuất thành lập các trung tâm xử lý đơn xin tị nạn vào EU ở châu Phi nhằm giảm số người muốn vượt biển để vào châu Âu./.
(TTXVN/VIETNAM+)