Ngày 4-7, Đại diện Iran tại Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Hossein Kazempour Ardebili cảnh báo việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gây áp lực đối với các doanh nghiệp quốc tế mua dầu của Iran sẽ chỉ đẩy giá dầu lên cao và ảnh hưởng tiêu cực đến chính nền kinh tế Mỹ.
Ngày 4-7, Đại diện Iran tại Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) Hossein Kazempour Ardebili cảnh báo việc Tổng thống Mỹ Donald Trump gây áp lực đối với các doanh nghiệp quốc tế mua dầu của Iran sẽ chỉ đẩy giá dầu lên cao và ảnh hưởng tiêu cực đến chính nền kinh tế Mỹ.
Một cơ sở lọc dầu trên đảo Khark của Iran ở ngoài khơi vùng Vịnh. (Nguồn: AFP/TTXVN) |
Ông Ardebili nhấn mạnh dầu mỏ không nên được sử dụng làm vũ khí hoặc nhằm đạt được các mục đích chính trị.
Theo ông, việc Tổng thống Trump yêu cầu dừng mua dầu của Iran, gây áp lực đối với các doanh nghiệp châu Âu trong lúc Nigeria và Libya đang lâm vào khủng hoảng, xuất khẩu dầu của Venezuela sụt giảm do các lệnh trừng phạt của Mỹ, tiêu dùng trong nước của Saudi Arabia tăng lên trong mùa Hè, sẽ không mang lại kết quả nào ngoài việc khiến nền kinh tế trong nước bị tổn hại.
Ông nêu rõ động thái của Mỹ sẽ đẩy giá dầu trên thị trường toàn cầu lên và chính người tiêu dùng Mỹ sẽ phải trả giá cho chính sách này của Tổng thống Trump.
Cùng ngày, chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), Thiếu tướng Qassem Soleimani khẳng định IRGC sẵn sàng thực thi chính sách ngăn chặn việc xuất khẩu dầu trong khu vực, nếu Mỹ cấm các hoạt động buôn bán dầu mỏ của Iran.
Trước đó một ngày, Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngầm đe dọa sẽ ngừng xuất khẩu dầu tới các nước láng giềng, nếu Washington theo đuổi mục tiêu gây sức ép buộc tất cả các nước dừng mua dầu của Iran.
Trong một lá thư do hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA đăng tải, Thiếu tướng Soleimani đã hoan nghênh quyết định “sáng suốt và kịp thời” của Tổng thống Rouhani, đồng thời khẳng định IRGC sẵn sàng thực thi mọi chính sách phục vụ cho nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Ngày 8-5, Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, hay còn gọi là Kế hoạch Hành động Toàn diện Chung (JCPOA) vốn đã được Liên hợp quốc phê chuẩn, đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt đơn phương chống Iran.
Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ bắt đầu triển khai "mức cao nhất" của các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào nước thành viên OPEC này dẫn lý do để "ngăn chặn các nỗ lực của Tehran phát triển vũ khí hạt nhân".
Mỹ đã gây sức ép đối với các nước nhập khẩu dầu mỏ từ Iran bằng cách yêu cầu những nước này ngừng nhập khẩu dầu mỏ từ Tehran từ ngày 4/11 tới, nếu không sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt do Mỹ áp đặt.
Iran là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ 3 trong OPEC sau Saudi Arabia và Iraq. Iran hiện đang tìm cách thu hút đầu tư vào lĩnh vực dầu khí.
Tuy nhiên, Iran sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là hoạt động xuất khẩu dầu mỏ khi Mỹ đang tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với nhiều cá nhân và thực thể ở nước này.
Nhiều doanh nghiệp nước ngoài sẽ gặp khó khăn khi hợp tác và làm ăn tại Iran./.
(TTXVN/VIETNAM+)