Báo Đồng Nai điện tử
En

Pháp tìm cách xoa dịu căng thẳng về kế hoạch cải cách lương hưu

02:12, 09/12/2019

Pháp là một trong những nước có hệ thống lương hưu hào phóng nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhưng hệ thống này đang gây thâm hụt ngân sách nghiêm trọng.

Pháp là một trong những nước có hệ thống lương hưu hào phóng nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhưng hệ thống này đang gây thâm hụt ngân sách nghiêm trọng.

Hàng nghìn người tham gia bãi công phản đối cải cách hưu trí của chính phủ tại thủ đô Paris, Pháp, ngày 5-12. (Ảnh: THX/TTXVN)
Hàng nghìn người tham gia bãi công phản đối cải cách hưu trí của chính phủ tại thủ đô Paris, Pháp, ngày 5-12. (Ảnh: THX/TTXVN)

Trong một động thái nhằm xoa dịu các nghiệp đoàn đang phản đối kế hoạch cải cách lương hưu, Chính phủ Pháp cam kết sẽ triển khai hệ thống mới theo từng bước.

Phát biểu với báo giới, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cho biết chính phủ quyết tâm hoàn tất kế hoạch cải cách lương hưu. Ông nói: “Nếu hôm nay chúng tôi không thực hiện cải cách toàn diện, nghiêm túc và từng bước, thì nngười khác sẽ thực hiện vào ngày mai, nhưng với một cách thức thực sự tàn nhẫn.”

Pháp là một trong những nước có hệ thống lương hưu hào phóng nhất trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), nhưng hệ thống này đang gây thâm hụt ngân sách nghiêm trọng.

Trong chiến dịch tranh cử năm 2017, Tổng thống Emmanuel Macron đã cam kết tiến hành những cải cách triệt để hệ thống lương hưu của nước này. Tuy nhiên, chính sách cải cách của ông Macron đã vấp phải sự phản đối của các nghiệp đoàn.

Dự kiến ngày 11-12 tới Thủ tướng Philippe sẽ công bố đề cương cải tổ chi tiết nhằm chấm dứt các chế độ đặc biệt cho phép một số người lao động nghỉ hưu ở tuổi 50, trong đó có nhân viên ngành đường sắt, và thay thế bằng một chế độ thống nhất đảm bảo bình đẳng cho tất cả mọi người.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh hệ thống giao thông tại Pháp ngày 8-12 tê liệt ngày thứ 4 liên tiếp do Tổng công ty đường sắt quốc gia (SNCF) và hệ thống giao thông công cộng Paris (RATP) đình công phản đối kế hoạch cải cách lương hưu này.

Theo cảnh sát Pháp, có 806.000 người tham gia cuộc biểu tình đầu tiên hôm 5-12 trên phạm vi toàn quốc, trong đó 65.000 người tham gia biểu tình tại thủ đô Paris.

Các nghiệp đoàn đang lên kế hoạch tiến hành cuộc biểu tình lần thứ hai vào ngày 10-12. Lãnh đạo nghiệp đoàn CGT Philippe Martinez tuyên bố người lao động sẽ đấu tranh cho đến khi chính phủ hủy bỏ hoàn toàn kế hoạch cải cách chế độ lương hưu.

Một số thành viên trong nội các Pháp đã đề nghị làm dịu tình hình. Phát biểu trước một cuộc họp nội các ngày 8-12, Bộ trưởng Tài chính Bruno Le Maire cho biết ông muôn ngân sách quốc gia cân bằng nhưng không "võ đoán".

Ông Le Maire nhấn mạnh "để ngỏ thảo luận về lịch trình" thực hiện và khẳng định chính phủ "không muốn gây hụt hẫng quá mức đối với những người đang lo lắng về cải cách”.

Trong khi đó, Thứ trưởng Môi trường Emmanuelle Wargon cho biết chính phủ sẽ linh hoạt, đồng thời khẳng định hệ thống mới sẽ “tương đối tốt hơn đối với một bộ phận đáng kể công dân Pháp”./.

(TTXVN/Vietnam+)

 

Tin xem nhiều