Bất đồng trong cơ chế hợp tác OPEC+ một lần nữa khiến thị trường năng lượng thế giới biến động. Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong 3 năm qua, đạt mức 77 USD/thùng, do lo ngại sẽ thiếu hụt nguồn cung.
Bất đồng trong cơ chế hợp tác OPEC+ một lần nữa khiến thị trường năng lượng thế giới biến động. Giá dầu thế giới tăng cao nhất trong 3 năm qua, đạt mức 77 USD/thùng, do lo ngại sẽ thiếu hụt nguồn cung.
Diễn biến giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York từ đầu năm đến nay. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading View |
Cơ chế OPEC+ là sự thỏa thuận giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác, do A-rập Xê-út và Nga dẫn đầu, nhằm thống nhất sản lượng khai thác dầu mỏ để ổn định thị trường năng lượng, kiểm soát tốt giá dầu thế giới. Dự báo nhu cầu năng lượng sẽ tăng sau khi nhiều nước kiểm soát được dịch bệnh Covid-19, Nga và A-rập Xê-út đề xuất OPEC+ tăng thêm 400 ngàn thùng/ngày từ tháng 8-12 tới. Tuy nhiên, vào phút chót, Các Tiểu vương quốc A-rập Thống nhất (UAE) đã từ chối đề xuất này, khiến phiên họp dự kiến vào đầu tháng này để thống nhất sản lượng khai thác trong thời gian tới của OPEC+ bị hoãn vô thời hạn. UAE bày tỏ ủng hộ việc tăng nguồn cung trong ngắn hạn, nhưng muốn có các điều khoản tốt hơn nếu chính sách được gia hạn đến năm 2022.
Do dịch bệnh Covid-19 khiến nhu cầu năng lượng của nền kinh tế thế giới giảm, hồi tháng 4-2020, OPEC+ đã đưa ra quyết định lịch sử khi cắt giảm gần 10 triệu thùng/ngày trong nỗ lực trợ giá cho dầu mỏ. Kể từ đó, nhóm này tổ chức họp hằng tháng để thảo luận và quyết định sản lượng khai thác những tháng tiếp theo.
Theo giới phân tích thị trường, nếu OPEC+ không đạt được thỏa thuận tăng sản lượng, thị trường năng lượng sẽ bị ảnh hưởng khi nguồn cung bị thiếu hụt tạm thời và giá dầu có thể lên 80-90 USD/thùng. Và với mức giá cao như hiện nay, có thể Mỹ sẽ tung nhiều dầu đá phiến hơn ra thị trường khi việc sản xuất loại dầu này bất đầu có lãi.
Quốc Trung