Báo Đồng Nai điện tử
En

Người dân nhiều nước tăng cường tích trữ do Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo

09:07, 31/07/2023

Lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường (non-basmati white rice) của Ấn Độ đã gây tâm lý lo lắng đối với những người tiêu dùng vốn đã quen sử dụng mặt hàng này trong chế độ ăn uống hàng ngày.

Lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ thường (non-basmati white rice) của Ấn Độ đã gây tâm lý lo lắng đối với những người tiêu dùng vốn đã quen sử dụng mặt hàng này trong chế độ ăn uống hàng ngày. Nhiều quốc gia trên thế giới ghi nhận tình trạng các cửa hàng buộc phải điều chỉnh giá sản phẩm và giới hạn lượng gạo cung cấp, trong bối cảnh người dân - chủ yếu là cộng đồng gốc Nam Á - đổ xô đi mua gạo để tích trữ.

Người dân xếp hàng chờ mua gạo tại tỉnh Narathiwat, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN
Người dân xếp hàng chờ mua gạo tại tỉnh Narathiwat, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Sriram Ramamurthy - Giám đốc Cửa hàng Iqbal Halal Foods ở TP.Toronto (Canada) cho biết, nhu cầu gạo tăng ngay lập tức, sau khi Ấn Độ thông báo lệnh cấm xuất khẩu gạo hôm 20-7 vừa qua. Trả lời phỏng vấn kênh CBC News của Canada, ông cho biết: “Họ đổ xô đến đây và ngày càng muốn mua nhiều hơn”. Cửa hàng của ông đã thực hiện chính sách giới hạn lượng mua, theo đó mỗi khách hàng chỉ có thể mua một bao gạo. Tuy nhiên, “kế sách” đã nhanh chóng bị vô hiệu hóa khi khách hàng dẫn theo nhiều thành viên trong gia đình để có thể mua được lượng gạo tối đa. Thậm chí, họ thuyết phục cả những khách hàng khác mua hộ gạo cho mình.

Để bình ổn giá gạo và ngăn chặn tình trạng thiếu lương thực trong nước do khí hậu khắc nghiệt, Ấn Độ đã cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo, ngoại trừ gạo basmati được sản xuất tập trung cho xuất khẩu, điều này khiến nhiều người dân lo ngại về khả năng giá gạo tăng vọt và những lệnh cấm bổ sung trong tương lai.

Ông Ramamurthy cho biết, hiện cửa hàng của ông chưa tăng giá gạo nhưng ông cho rằng điều này là khó tránh khỏi khi các nhà cung cấp cho Iqbal Halal Foods đang rục rịch tăng giá. Không chỉ có Iqbal Halal Foods, nhiều cửa hàng khác phục vụ cộng đồng người Nam Á tại Canada, Mỹ, Australia...  cũng báo cáo tình trạng tương tự. Nhiều đoạn ghi hình lan truyền trên mạng xã hội cho thấy nhu cầu tích trữ gạo của người dân đang cao chưa từng có, nhưng tính xác thực của những video này hiện chưa được làm rõ.

Số liệu thống kê cho thấy, giá gạo tẻ thường tại Ấn Độ đã tăng gần 10% trong tháng 7 này. Nếu như vào tháng 9 năm ngoái, một tấn gạo tẻ thường ở Ấn Độ có giá khoảng 330 USD thì hiện tại đã lên tới 450 USD. Ấn Độ là quốc gia sản xuất gạo lớn nhất thế giới, chiếm tới hơn 40% xuất khẩu gạo trên toàn cầu.

* Theo hãng tin Tân Hoa Xã, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo trong 4 tháng.

Bộ Kinh tế nước này ngày 29-7 thông báo trên mạng xã hội rằng lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 28-7, bao gồm các khu vực tự do ở UAE và áp dụng cho tất cả các loại gạo, bao gồm: gạo lứt, gạo xay xát hoàn toàn hoặc một phần và gạo tấm.

Thông báo cho biết, các công ty muốn xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu gạo phải xin giấy phép xuất khẩu của Bộ Kinh tế. Lệnh cấm có thể tự động gia hạn, trừ phi có quyết định hủy bỏ việc thực hiện lệnh này.

* Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. vừa cho biết, nước này cần tăng cường các kho dự trữ gạo và ông có thể sẽ tìm kiếm thỏa thuận cung ứng với Ấn Độ, do lo ngại tác động tiềm ẩn của hiện tượng thời tiết El Nino đến mùa vụ và các nhà cung cấp khác.

Phát biểu với các quan chức tại tỉnh Cagayan (miền Bắc) trong chuyến thị sát để đánh giá hậu quả của bão Doksuri, Tổng thống Marcos cho biết: “Tôi đang nghĩ về nguồn cung gạo quốc gia. Các nước Đông Nam Á đều đang chuẩn bị ứng phó với El Nino”.

Philippines, một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, thường mua gạo từ Việt Nam. Tuy nhiên, Tổng thống Marcos cho biết, nguồn cung có thể hạn chế vì nhiều người mua khác cũng đang tìm đến đây. Vì vậy, ông đang cân nhắc việc tìm thỏa thuận cung ứng gạo với Ấn Độ.

Hiện người phát ngôn Bộ Lương thực Ấn Độ chưa bình luận gì về thông tin này.

* Nga vừa thông báo tạm dừng xuất khẩu gạo cho đến cuối năm nay để hỗ trợ thị trường nội địa.

Trang Telegram của Chính phủ Nga nêu rõ: “Chính phủ đã tạm thời cấm xuất khẩu gạo thô và gạo đã qua chế biến. Hạn chế sẽ có hiệu lực cho đến ngày 31-12-2023 và quyết định được đưa ra để duy trì sự ổn định trên thị trường nội địa”.

TTXVN

Tin xem nhiều