
Khó có thể tưởng tượng được nếu thiếu vai trò của thông tin thể thao trong đời sống hiện nay. Hầu như không có một tờ báo nào (kể cả báo viết, báo nói, báo hình và báo điện tử) lại không có trang thể thao.
Khó có thể tưởng tượng được nếu thiếu vai trò của thông tin thể thao trong đời sống hiện nay. Hầu như không có một tờ báo nào (kể cả báo viết, báo nói, báo hình và báo điện tử) lại không có trang thể thao. Tuy nhiên, những cây bút, bình luận viên tên tuổi; vừa đi vào lòng bạn đọc, khán giả; vừa nhận được sự tôn trọng của giới chuyên môn, đồng nghiệp lại không nhiều; nếu không muốn nói là rất hiếm hoi. Không phải ai cũng có được cái giọng điệu tưng tửng mà thâm sâu như cố nhà báo Tường Vy. Càng khó có diễm phúc được một người bán báo dạo đến tri ân trong đám tang vì “sinh thời nhờ những bài báo của ông đã nuôi cả gia đình tôi” như cố nhà báo Chánh Trinh.
ADVERTISEMENT
Trong các lĩnh vực báo chí thì có lẽ để tìm kiếm và đào tạo một phóng viên thể thao là khó nhất, vì người phóng viên ấy không chỉ phải có trình độ, khả năng viết lách mà còn phải có năng khiếu, kiến thức chuyên môn và đặc biệt là sự say mê thể thao. Nhà báo thể thao sẽ không có những ngày nghỉ cuối tuần; phải có thể lực cực kỳ dẻo dai để có thể không ăn, không ngủ khi vào những “chiến dịch” chạy đua thông tin marathon như SEAGames, World Cup, Euro… Tuy nhiên, trong giới báo chí VN cũng có lẽ viết thể thao là sướng nhất, bởi có thể lên mặt “dạy đời”, phóng bút chửi văng mạng từ ông chủ tịch FIFA, các HLV, ngôi sao thế giới, cho đến tất tần tật quan chức, giới thể thao nước nhà, mà chẳng bao giờ sợ bị kiện. Thế mới có chuyện một “cây bút” bóng đá không biết lấy thông tin từ đâu mà viết cầu thủ PHP của Đồng Nai rất “hoàn cảnh”, sớm mồ côi mẹ trong khi thân mẫu của anh đang sống sờ sờ (!) Hay hồi World Cup USA 1994 khi FIFA lần đầu tiên trao giải “Lev Iasin” cho thủ môn xuất sắc nhất, một “nhà báo” của ta đã rất nhanh nhảu có một bài “dịch” phỏng vấn “cảm tưởng” Iasin mà quên rằng thủ môn huyền thoại của Liên Xô cũ này đã… mất hơn 1 năm trước đó (!?) Bản thân người viết từng chứng kiến tại SEAGames 2003 tại VN, trong buổi tập trước trận bán kết môn bóng đá nam, giới báo chí thể thao đổ xô đến sân Hàng Đẫy săn lùng Văn Quyến. Ít học và bản tính vụng về, ngại ăn nói, Quyến lẩn như chạch, cạy miệng cũng không nói lấy một lời; ấy vậy mà trên mạng hôm sau có cả một bài Quyến trả lời phỏng vấn đến 2000 chữ mà không biết tác giả phỏng vấn lúc nào(?). Còn trao đổi giữa HLV trưởng Riedl với truyền hình Đồng Nai cũng được tường thuật là “ông Riedl trả lời phỏng vấn với một Đài truyền hình… nước ngoài!” (có lẽ là do phóng viên hỏi bằng tiếng Anh và logo ĐN-RTV… lạ quá (!?).
ADVERTISEMENT
Thế đấy ! “Phông” văn hóa dường như là cái thiếu nhất của giới báo chí thể thao nước ta hiện nay, đặc biệt là với cánh phóng viên trẻ muốn nhanh chóng “nổi tiếng”.
Minh Chung
ADVERTISEMENT