Báo Đồng Nai điện tử
En

“Ơi Huế của ta ơi…!”

10:08, 17/08/2011

Dù đã sớm thấy trước nhưng kết cục Huế rớt hạng vẫn khiến người hâm mộ gốc Huế và cả làng cầu không khỏi bùi ngùi. Xét bề dày lịch sử, Huế là một tên tuổi cựu trào lẫy lừng nhưng cũng đầy thăng trầm, biến động.

 

ADVERTISEMENT

Dù đã sớm thấy trước nhưng kết cục Huế rớt hạng vẫn khiến người hâm mộ gốc Huế và cả làng cầu không khỏi bùi ngùi. Xét bề dày lịch sử, Huế là một tên tuổi cựu trào lẫy lừng nhưng cũng đầy thăng trầm, biến động. Năm 1995, chỉ 2 năm sau khi lên chơi ở giải đấu cao nhất (khi ấy còn mang tên giải các đội mạnh toàn quốc), dưới sự dẫn dắt của cố HLV người Nam Định, Ninh Văn Bảo, đội Thừa Thiên-Huế đã giành ngôi á quân quốc gia (sau Công an TP.Hồ Chí Minh). Nhưng niềm vui ngắn ngủi chẳng tày gang, vì cái sự “lật kèo”, chẳng biết điều ấy, ngay mùa bóng năm sau đội quân của ông Bảo bị mọi đối thủ “dí đánh” phải lập tức xuống hạng. Từ ấy họ còn có 2 lần trở lại giải VĐQG. Năm 1998 Huế đánh bại Hải Quan trong trận tranh vé vớt để sau đó ghi tên mình vào 1 trong 10 CLB góp mặt ngay từ kỳ giải V-League đầu tiên 2000-2001. Tuy nhiên, chỉ mùa sau Huế lại xuống hạng Nhất. Phải 4 năm sau, năm 2006 họ một lần nữa trở lại chuyên nghiệp sau khi vượt qua Hải Phòng trong trận play-off nghẹt thở phải phân định trên chấm 11m luân lưu, nhưng chỉ trụ được đúng 1 mùa, và đó cũng là lần cuối cùng BĐ cố đô xuất hiện ở giải đấu cao nhất. Giờ đây, sau 4 năm cuối cùng chơi ở giải hạng Nhất (tổng cộng là 9 mùa trong 3 lần xuống hạng), lần đầu tiên trong lịch sử BĐ Huế phải xuống chơi ở giải đấu phong trào hạng Nhì. Quả khó có CLB nào lại “lên voi, xuống chó” nhiều như thế!

Nỗi buồn của các cầu thủ Huế khi phải xuống chơi ở giải đấu phong trào hạng Nhì. Ảnh: T.L
Nỗi buồn của các cầu thủ Huế khi phải xuống chơi ở giải đấu phong trào hạng Nhì. Ảnh: T.L

ADVERTISEMENT

Ngược dòng lịch sử xa hơn, thì từ những năm 20 của thế kỷ trước BĐ đã xuất hiện tại cố đô, với những trận đấu có sự tham gia của binh lính Pháp ở sân “Sép” nằm ngay bên bờ bắc sông Hương, cạnh chợ Ðông Ba. Còn SVĐ Tự Do với lòng chảo đua xe nổi tiếng và độc nhất ở VN hiện nay vốn được người Pháp xây dựng từ đầu những năm 1930 (khánh thành vào năm 1936 mang tên SVĐ Bảo Long, con vua Bảo Ðại). Tại các giải túc cầu Ðông Dương, các cầu thủ Huế là nòng cốt của đội tuyển Trung kỳ từng 3 lần đoạt ngôi á quân (vào các năm 41, 43, 44). Riêng 2 danh thủ Nguyễn Hữu Tường - Nguyễn Hữu Hồ từng khoác áo đội tuyển Ðông Dương. Không chỉ có lịch sử vàng son gần một thế kỷ mà BĐ đất Thần kinh còn tự hào về sự hâm mộ cuồng nhiệt của người Huế, dù đến đâu cũng có sự sát cánh của các CĐV đồng hương. Ấy vậy mà buồn thay, trận quyết định với Hà Nội thứ bảy rồi ngay trên sân nhà chỉ có vỏn vẹn 500 khán giả đến cổ vũ, chia sẻ cùng Đoàn Phùng và các học trò.

Điều đó cho thấy, người hâm mộ đã không còn chút niềm tin nào vào đội nhà. Không phải người Huế quay lưng với đội bóng quê hương mà chính đội bóng đã phụ họ. Thực ra “cái chết” của Huế đã được báo trước từ rất lâu, ngay từ năm ngoái khi đội quân của bộ đôi Nguyễn Đức Dũng – Đoàn Phùng chỉ về thứ 11/13 đội. Ấy vậy mà bước vào mùa giải năm nay chẳng những không có sự đầu tư nào mà Huế còn bị chảy máu ồ ạt, với hàng loạt các trụ cột ra đi. Lấp vào khoảng trống ấy là 15 gương mặt măng sữa được đôn lên từ đội U.17 và mượn thêm 6 cầu thủ của U.21 HAGL. Ngay từ khi bóng còn chưa lăn, Huế đã được điểm mặt là ƯCV sáng giá nhất cho một suất xuống hạng. Thực tế đã chứng minh điều ấy, ngay 2 vòng đầu tiên Huế đã sớm rơi xuống đáy bảng và liên tục “cầm đèn đỏ” trong tới 21/26 vòng đấu (có 1 vòng nhích lên… áp chót), vị trí cao nhất trong cả giải là hạng 9 (vòng 4). Thành tích như thế thì kết cục nhận lãnh là tất yếu và… hoàn toàn “xứng đáng”!

ADVERTISEMENT

Chung quy cũng vì nghèo và cơ chế. Ngân sách tỉnh thì hạn hẹp, có mỗi nhà tài trợ bia Huda thì chẳng qua chỉ vì nghĩa vụ, bị bắt ép nên đầu tư cho đội bóng nhỏ giọt như của bố thí (mà Huda cũng chẳng phải “đại gia”). “Cái chết” của Huế (và Tiền Giang, Quảng Ngãi trước đó) là lời cảnh báo với các đội bóng sống bằng “bầu sữa” của địa phương. Cứ theo chân hầu hết những đội đi trước xuống hạng Nhì thì rất có thể đây cũng là sự xóa sổ cái tên Huế trên bản đồ BĐVN. Điều đó sẽ đáng tiếc và đáng buồn biết bao đối với vùng đất Thần kinh có bề dày lịch sử BĐ (và không chỉ BĐ) như Huế. Hẳn đêm cuối tuần rồi, bên ly rượu HLV Đoàn Phùng lại ôm cây đàn “say” liên tu bất tận với các nhạc phẩm Trịnh Công Sơn mà nuốt cạn nỗi buồn.

Minh Chung

 


ADVERTISEMENT

Tin xem nhiều

ADVERTISEMENT