Trong một cuộc tiếp xúc mới đây, một số trọng tài (TT) tên tuổi cũng bày tỏ với người viết sự bức xúc, bất bình của chính người trong cuộc với công tác điều hành phân công TT, giám sát (GS) hiện nay.
Trong một cuộc tiếp xúc mới đây, một số trọng tài (TT) tên tuổi cũng bày tỏ với người viết sự bức xúc, bất bình của chính người trong cuộc với công tác điều hành phân công TT, giám sát (GS) hiện nay. Tuy nhiên, do quy chế không được phát ngôn và những vấn đề “tế nhị” nên họ không muốn tiết lộ danh tính, cũng như không thể công khai quan điểm của mình. Theo những người trong cuộc này, có 3 nguyên nhân dẫn đến vấn đề TT hiện nay.
Trọng tài Võ Minh Trí trong trận đấu Thanh Hóa - V.HP. Ảnh: T.L |
1. Sai lầm đầu tiên là quyết định cử ông Dương Vũ Lâm làm trưởng ban TT. Ông Lâm tuy từng là Phó tổng thư ký 2 nhiệm kỳ VFF và hiện là Phó chủ tịch Liên đoàn BĐ Đông Nam Á (AFF) nhưng hoàn toàn là dân “ngoại đạo”, không có hiểu biết chuyên môn về công tác TT, không được trong giới TT nể phục nên không thể làm trung tâm đoàn kết. Công việc, nhiệm vụ giữ chức danh Trưởng ban TT AFF với Trưởng ban TT VFF là rất khác xa nhau, khi chức danh trước chỉ là có vì. Bản thân nội bộ Ban TT hiện nay còn mất đoàn kết, bằng mặt mà không bằng lòng. Điều này dẫn đến tâm lý các TT hiện rất hoang mang vì không biết khi có chuyện ai là người có quyền sinh, sát; đứng ra bảo vệ mình: Ban TT, VFF hay VPF? (Chưa kể thu nhập cao của TT hiện nay do VPF chi trả, khó tránh khỏi sự chi phối, ảnh hưởng tâm lý: CLB này của “ông bầu” nào).
“...Nếu như tạm dừng giải ở thời điểm này thì coi như giải đấu năm nay bị vỡ luôn”. Việc chuyển đổi từ VFF sang cho VPF quản lý, điều hành giải, theo tôi đang có nhiều bất cập. Lịch sử BĐ thế giới gần như không có sự chồng chéo công việc như ở VN, khi phần lớn các ông Chủ tịch đội bóng lại đứng ra điều hành chính giải đấu mà mình đang chơi. Điều đó khiến TT khi đưa ra quyết định cũng gặp rất nhiều khó khăn, bắt đúng hay sai, có người lại cho rằng thiên vị, còn ngược lại tôi sợ chính các TT cảm thấy áy náy với các ông bầu. Thế nên, nếu cứ để các ông bầu điều hành giải đấu, V-League 2012 sẽ còn tiếp tục gặp nhiều vấn đề, sẽ phát sinh ra rất nhiều thứ mà không thể lường trước được…” Chuyên gia Trần Văn Phúc |
2. Việc phân công giám sát TT và TT hiện nay được thâu tóm trong tay chỉ một cá nhân (Phó ban Đoàn Phú Tấn) dẫn đến hiện tượng mất dân chủ, thao túng. Có rất nhiều những dẫn chứng về việc phân công, bất hợp lý ở 9 vòng đấu vừa qua. Ví dụ như trận Khánh Hòa - Sài Gòn FC, cả 2 giám sát Nguyễn Hồng Sơn và Phạm Chu Thiện lại đều là người TP.Hồ Chí Minh. Hay trợ lý K’Đức Tuấn, người từng dính “phốt” ở vòng 8 khi không phất cờ báo hiệu tình huống Đình Luật (Sài Gòn FC) phạm lỗi mười mươi với cầu thủ Đồng Tháp trong vùng cấm, bỏ qua quả phạt đền cho đội khách; lại vẫn được phân công làm nhiệm vụ ở vòng tiếp theo và đã khiến Đà Nẵng bị cướp đi chiến thắng (dù ở vị trí thuận lợi nhưng lại không phát hiện tình huống ghi bàn gỡ hòa 2-2 của Kiên Giang, đã trong tư thế việt vị hết sức rõ ràng).
Đó là chưa kể có những giám sát TT yếu kém, bao che cho TT vẫn được sử dụng, như trận đấu giữa CLB Hà Nội và Đà Nẵng ở vòng 8, trọng tài Quốc Hưng mắc sai lầm trầm trọng như thế, nhưng lại được giám sát Phạm Văn Quang chấm điểm 8.8 (hoàn thành tốt nhiệm vụ) (!?)
3. Quan điểm khuyến khích sử dụng TT trẻ, ở các địa phương không dự V-League để mang tính trung lập, khách quan như phó chủ tịch VPF Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo bị phá sản, bởi việc áp dụng ồ ạt, thiếu cân nhắc. Điển hình là trận SLNA - T&T rất “nóng” nhưng cả 3 TT làm nhiệm vụ đều chưa có kinh nghiệm. Khi nhiều TT thiếu kinh nghiệm, còn non yếu về cả chuyên môn và bản lĩnh, lại được điều khiển các trận đấu lớn thì việc mắc sai lầm là dễ hiểu. Như TT Phùng Quốc Quân, người đã bỏ qua 2 quả phạt đền trong trận Sài Gòn FC - Đồng Tháp, vốn 2 mùa giải qua chỉ ngồi bàn, hay trường hợp trợ lý K’Đức Tuấn nói trên vốn đến từ một địa phương không hề có BĐ đỉnh cao. Nghịch lý là các TT và trợ lý FIFA lẽ ra phải ưu tiên tin dùng thì thời gian qua lại không được sử dụng hết công suất. Đúng là cần tạo điều kiện cho các TT trẻ để có đội ngũ kế cận và mở rộng tính vùng miền (hiện điều hành V-League chỉ có 22 TT chính, trong đó có đến 17 người thuộc địa phương có đội bóng thi đấu, chỉ có 5 TT trung gian). Tuy nhiên, cần phải có quá trình thực hiện từng bước (với những TT mà địa phương không có đội bóng đỉnh cao, cũng như không được đào tạo một cách bài bản, trình độ hạn chế là điều tất yếu).
Một quan điểm sai lầm khác là phân công giám sát, TT sao cho “tiết kiệm” chi phí tối đa cho việc di chuyển. Để tiết kiệm nên người ta sẵn sàng sử dụng giám sát, TT làm giải hạng I vào ngày thứ bảy, hôm sau làm điều hành tiếp ở V-League (trước đây việc này là rất hãn hữu), hoặc điều TT ở địa phương gần nhất ở vòng trước đến làm nhiệm vụ; bất chấp tính chất của trận đấu và năng lực TT có thể không đáp ứng.
“Theo tôi, VFF không nên giao toàn quyền cho VPF, mà VPF chỉ nên đứng bên cạnh hỗ trợ cho VFF. Chính việc này không thực hiện được, nên khi VPF điều hành giải đang nằm trong tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi. VPF điều hành giải, nhiều người đã đặt vấn đề sự minh bạch trong các trận đấu giữa những đội bóng của các ông chủ VPF với các đối thủ khác và quả thực, thực tế đã cho thấy ít nhiều nó đang xảy ra...” HLV Vương Tiến Dũng |
Trần Đỗ