Báo Đồng Nai điện tử
En

Thực chất đàng sau cuộc tranh giành bản quyền truyền hình bóng đá

10:03, 21/03/2012

Câu chuyện tranh chấp bản quyền truyền hình hay nói đúng hơn là tranh chấp nắm giữ thương quyền bóng đá, vẫn chưa ngã ngũ khi điều quan trọng nhất mà VPF  muốn, đó là phải điều chỉnh hợp đồng giữa VFF và AVG xuống còn 3 năm thay vì 20 năm vẫn chưa có kết quả.

Câu chuyện tranh chấp bản quyền truyền hình hay nói đúng hơn là tranh chấp nắm giữ thương quyền bóng đá, vẫn chưa ngã ngũ khi điều quan trọng nhất mà VPF  muốn, đó là phải điều chỉnh hợp đồng giữa VFF và AVG xuống còn 3 năm thay vì 20 năm vẫn chưa có kết quả. Nhưng, cũng chính vì yêu cầu này, người hâm mộ nhận ra, dường như trong cuộc đấu này, họ chỉ là tấm khiên mà thôi.

AVG và VPF vẫn đang tranh chấp dai dẳng bản quyền truyền hình.       Ảnh: T.L
AVG và VPF vẫn đang tranh chấp dai dẳng bản quyền truyền hình. Ảnh: T.L

Hiện bóng đá Việt Nam (BĐVN) đã bắt đầu “nhảy kèo” trên các trang cá cược nước ngoài, cụ thể là giải V-League và một số trận hạng Nhất. Thậm chí, một số trang đã khẳng định mình là đại diện tại VN một cách chính thống, hướng dẫn chi tiết cách có được một tài khoản để chơi khi chỉ cần người tham gia có thẻ ATM. Số lượng người chơi cá cược trên mạng ở các thành phố lớn không còn ít như ngày xưa khi nhà cái “chiêu dụ” người chơi bằng nhiều cách như giới thiệu người đăng ký được tặng tiền, hay chỉ cần 200.000 đồng trong tài khoản là có thể đăng ký....

Vậy điều đó có liên quan gì đến truyền hình và thương quyền BĐVN? Nếu để ý sẽ thấy, các nhà mạng chỉ cho “nhảy kèo” các trận đấu của đội VN có truyền hình trực tiếp. Như mới đây trận đấu giữa TDC Bình Dương và CLB TP.Hồ Chí Minh dù ở giải hạng nhất nhưng  đã xuất hiện trên trang cá cược cho phép người chơi đặt tiền bởi trận đấu ấy được nhà đài trực tiếp. Chuyện các nhà mạng chỉ chọn trận đấu có trực tiếp truyền hình được lý giải: để tăng tính chất hấp dẫn, những người chơi cá cược phải được xem trận đấu đang diễn ra để có thể chơi nhiều kèo khác nhau do nhà cái tạo như “tài xỉu” hiệp một, hiệp hai hay ném biên, phạt góc, thẻ vàng, thẻ đỏ... Tất nhiên, việc xem được truyền hình trực tiếp cũng là cách để nhà cái “điều chỉnh” lại các kèo của mình kịp thời.

Nhưng, nếu chỉ như vậy thì vẫn chưa rõ lắm quyền lợi của đơn vị nắm thương quyền và bản quyền truyền hình các giải đấu quốc nội của VN là AVG, bởi hiện nay các trang cá cược ấy tuy rầm rộ nhưng chưa “chính danh”.

Mới đây trên trang web của tờ báo về kinh tế chính trị uy tín của Mỹ, Wall Street Journal, đã đưa đậm thông tin Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đến thăm Singapore để tìm hiểu về hoạt động cá cược thể thao. Tại đây, ông đã gặp gỡ ban điều hành Tote Board và Singapore Pools, các cơ quan của Chính phủ Singapore chịu trách nhiệm điều hành hoạt động cá cược thể thao. Đây là một trong những động thái được giới kinh tế quan tâm, bởi nếu như mọi người còn nhớ thì năm 2006, Chính phủ đã giao nhiệm vụ cho ủy ban TDTT lập đề án kinh doanh cá cược bóng đá và mời một số công ty cá cược thể thao lớn của khu vực sang tham vấn.

Khi ấy, ủy ban TDTT và VFF đã mời Phó chủ tịch liên đoàn Bóng đá Singapore, kiêm Chủ tịch Công ty cá cược bóng đá S.Pools đến VN để học hỏi, cũng như tìm những giải pháp về việc hợp thức hóa hình thức cá cược bóng đá. Ngoài S.Pool, ủy ban TDTT còn tiếp tục làm việc với ban lãnh đạo Công ty Ladbrokes (vương quốc Anh) để tìm cơ hội hợp tác... Tháng 5-2010, đề án xây dựng trung tâm cá cược bóng đá của VFF đã được Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch đồng ý trình Chính phủ và Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính, Bộ Công an cùng tham gia nghiên cứu đề án này.

Cùng với việc các nhà đầu tư nước ngoài muốn mở sòng bạc tại Quảng Ninh, Đà Nẵng... và chuyến đi thăm mới đây của Bộ trưởng Tài Chính Vương Đình Huệ, giới kinh doanh đang tin rằng việc cá cược bóng đá hợp pháp sẽ không chỉ còn là đề án. Khi đó, việc nơi nào nắm bản quyền truyền hình và thương quyền BĐVN sẽ được hưởng lợi cực lớn. Dường như đó mới là cái đích nhắm đến của các bên, chứ không phải chỉ là vài tỷ đồng từ bản quyền truyền hình mà AVG sẵn lòng chia luôn cho VTV, VTC, thậm chí còn tuyên bố sẽ dùng toàn bộ tiền lời từ bản quyền truyền hình để ủng hộ thể thao VN.

Bầu Kiên của VPF lẫn AVG đã không nói rõ ràng chuyện cái lợi lớn nhất khi nắm được bản quyền truyền hình và thương quyền (có thể được hiểu là thu lợi từ các hoạt động liên quan đến các giải đấu) của BĐVN là gì khi họ tranh chấp quyết liệt. Các bên luôn giương cao khẩu hiệu vì người hâm mộ, nhưng có thật là như thế?

Tất Đạt

 

 

 

Tin xem nhiều