Nếu cuộc chiến giành quyền khai thác thương quyền bản quyền truyền hình bóng đá giữa Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) nổ ra gay gắt, ầm ĩ bao nhiêu, thì lại bất ngờ khép lại trong êm đẹp, nhẹ nhàng bấy nhiêu với việc AVG tự nguyện ký hợp đồng chuyển giao cho VPF mà không đòi hỏi một đồng nào. Chính sự dễ dàng này khiến dư luận không khỏi thắc mắc: điều gì thực sự đã xảy ra trong hậu trường?
Nếu cuộc chiến giành quyền khai thác thương quyền bản quyền truyền hình bóng đá giữa Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) nổ ra gay gắt, ầm ĩ bao nhiêu, thì lại bất ngờ khép lại trong êm đẹp, nhẹ nhàng bấy nhiêu với việc AVG tự nguyện ký hợp đồng chuyển giao cho VPF mà không đòi hỏi một đồng nào. Chính sự dễ dàng này khiến dư luận không khỏi thắc mắc: điều gì thực sự đã xảy ra trong hậu trường?
Bản quyền truyền hình V-League cao nhất Đông Nam Á. Ảnh: T.L |
Không ai có thể khẳng định nguyên nhân thực sự của việc AVG bất ngờ dễ dàng “buông” quyền sở hữu 20 năm thương quyền bóng đá khi mà trước đó họ đã “chiến đấu” đến cùng trong cuộc chiến pháp lý (và đã thắng). Nhưng có một điều chắc chắn là người vốn “ngoại đạo” với cả lĩnh vực truyền hình lẫn bóng đá, một doanh nghiệp thuần túy như ông Phạm Nhật Vũ - Chủ tịch AVG, hẳn không lường hết những ngóc ngách phức tạp, nhiêu khê của “cuộc chơi” này.
Thực tế, ngoài 6 tỷ đồng bỏ ra mua bản quyền truyền hình rồi cho không các đài trong năm đầu tiên, ở mùa thứ 2 này khi AVG chính thức bước vào sản xuất và phát sóng thì chi phí cho 1 trận trực tiếp V-League không dưới 50 triệu đồng (xe màu, đường truyền cáp quang, chi phí sản xuất). Trong khi đó, cho đến thời điểm hiện tại AVG vẫn chưa bán được một đồng quảng cáo, tài trợ nào từ các chương trình bóng đá. Và với tình hình kinh tế hiện nay cũng như sức hấp dẫn của bóng đá Việt Nam, trong tương lai năm năm tới cũng chẳng hứa hẹn triển vọng sáng sủa hơn.
Ngay cả nếu khoản tiền hơn chục tỷ đồng mà AVG đã đầu tư cho “thương vụ truyền hình bóng đá” trong một năm rưỡi qua chỉ là “chút ít thiệt thòi” như lời ông Vũ nói, thì AVG cũng có lý do khác để “giảm nhiệt”, không còn mấy thiết tha, mặn mòi. Bởi yêu cầu về năng lực sản xuất và bài toán đầu ra (một mình truyền hình AVG không thể sản xuất và tải lên sóng tất cả 7 trận đấu V-League diễn ra trong 2 ngày cuối tuần). Đó là chưa kể sự mệt mỏi khi phải theo đuổi “cuộc chiến” bản quyền truyền hình với “bầu” Kiên, vốn là người chẳng có gì để mất, trong khi AVG không phải chỉ có mỗi truyền hình bóng đá V-League (chẳng thế mà ông Phạm Nhật Vũ từng tuyên bố: “Nếu VPF xin tử tế thì tôi đã cho lâu rồi!”).
Còn nếu xét bài toán kinh tế ở một góc độ khác, AVG hoàn toàn không lỗ mà thậm chí lãi, lãi to. Từ cuộc tranh chấp ồn ào, tốn bao giấy mực, thời lượng của các phương tiện truyền thông cả nước trong suốt hơn 4 tháng qua. “Bầu” Kiên và VPF vô hình chung đã mang đến cho AVG một quảng cáo chiến dịch thương hiệu rầm rộ mà có người cho rằng đơn vị này có bỏ ra triệu đô cũng chưa chắc hiệu quả như vậy.
Nhưng nguyên nhân khác quan trọng hơn, đó là một khi các “ông bầu” ở VPF tuyên bố sẽ bán được bản quyền truyền hình bóng đá cao hơn gấp 5, 10 lần mức giá VFF đã bán cho AVG thì với việc từ đầu đã tuyên bố sẽ luôn “vì quyền lợi của bóng đá Việt Nam” AVG không thể không có câu trả lời. Và với việc tự nguyện chuyển giao hợp đồng mà không đòi hỏi bất cứ một sự đền bù, có thể nói AVG không chỉ chuyển từ thế bị động sang chủ động mà còn một mũi tên bắn ra đạt được nhiều đích.
Trước dư luận, rõ ràng AVG đầy thiện chí và giữ đúng lời hứa đặt lợi ích của bóng đá Việt Nam lên trên hết. Mặt khác, chuyền trái bóng trách nhiệm vào chân “bầu” Kiên và VPF. Không phải vô cớ mà AVG yêu cầu một điều kiện duy nhất phải đưa vào hợp đồng chuyển giao là VPF phải bán được bản quyền truyền hình bóng đá với mức tối thiểu 50 tỷ đồng đúng như các “ông bầu” đã tuyên bố.
Nói lời phải giữ lấy lời, huống hồ đã thể hiện bằng giấy trắng mực đen, AVG giờ đây chẳng khác nào đã đặt VPF vào thế ngồi lên lưng hổ, chỉ có chạy tới chứ chẳng thể thoái lui. Hãy xem các “ông bầu” của VPF sẽ bán cách nào bản quyền truyền hình bóng đá để được 50-100 tỷ đồng, cái giá mà với những người am hiểu kinh tế - thể thao khẳng định là hoàn toàn “ảo” so với giá trị thật của bóng đá Việt Nam hiện nay.
Đông Kha