Sau khi nhận chuyển giao hợp đồng từ Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), toàn bộ kế hoạch khai thác bản quyền truyền hình bóng đá (BQTHBĐ) “trăm tỷ” của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) rất đơn giản.
Cầu thủ thi đấu với những khán đài trống hoác sau lưng nhưng bản quyền truyền hình V-League vẫn đắt giá nhất nhì Đông Nam Á. Ảnh: T.L |
Sau khi nhận chuyển giao hợp đồng từ Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG), toàn bộ kế hoạch khai thác bản quyền truyền hình bóng đá (BQTHBĐ) “trăm tỷ” của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) rất đơn giản. Bằng mối quan hệ cá nhân của các “ông bầu”, VPF thành lập Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam với 10 doanh nghiệp trong “Câu lạc bộ 1.000 tỉ đồng” (theo công bố mới nhất có đến 6 ngân hàng - lĩnh vực hoạt động của “bầu” Kiên, gồm: BIDV, Techcombank, Sacombank, ACB, VPbank, Bản Việt; cùng 4 tập đoàn có máu mặt: Viettel, Vinamilk, Đạm Phú Mỹ và Hoàng Anh Gia Lai). Trong nửa mùa giải còn lại của năm 2012 này, mỗi thành viên sẽ đóng góp 5 tỷ đồng, tổng cộng là 50 tỷ đồng (năm 2013 tăng lên 7,5 tỷ đồng/doanh nghiệp và năm 2014 là 10 tỷ đồng). Đổi lại, các doanh nghiệp của thành viên Hội đồng bảo trợ sẽ được dành cho thời lượng quảng cáo trên truyền hình trước, giữa và sau chương trình trực tiếp các trận đấu (chủ yếu là Giải vô địch bóng đá quốc gia Việt Nam).
Nghe qua thật quá tuyệt, từ 6 tỷ rồi 10 tỷ đồng, chỉ sau một đêm BQTHBĐ vào tay VPF đã nâng giá trị lên gấp 5 lần (và 2 năm sau sẽ là chục lần). Nhưng chính sự “tăng trưởng đại nhảy vọt” ấy lại khiến người ta phải băn khoăn, suy nghĩ và thấy có gì đó không ổn.
Trước hết, về mặt bản chất thì đây không phải là truyền hình mua bản quyền phát sóng bóng đá từ VPF. Ở đây thực chất mối quan hệ giữa VPF với các đài truyền hình là đổi chương trình (các trận đấu bóng đá) lấy spot quảng cáo (VPF phải tự chạy lấy nhưng vẫn phải “ăn chia” với nhà đài). Nó giống như cách làm của các công ty “cò” truyền thông tư nhân đang mọc lên như nấm hiện nay. Từ chỗ lẽ ra phải là người đi mua (thậm chí phải đấu giá rồi tìm cách khai thác phân phối, kinh doanh) thì giờ đây truyền hình lại đóng vai trò trung gian, “bán sóng” cho VPF. Chưa kể vì không bận tâm chuyện lời, lỗ nên các đài cũng không cần thiết phải tìm cách đầu tư, nâng cao chất lượng truyền hình bóng đá trong nước, cũng như tạo ra các chương trình giá trị gia tăng để thu hút người xem (riêng trong tường thuật trực tiếp bóng đá việc sử dụng xe màu ra sao, chuẩn phát sóng thế nào, số lượng máy, ống kính camera bao nhiêu… là cả một sự khác biệt rất lớn).
“Bán” quảng cáo trong truyền hình bóng đá là không dễ chút nào. Ngay cả với giải Ngoại hạng Anh, được coi là hấp dẫn, có số khán giả theo dõi cao nhất ở Việt Nam, nhưng dù phải bỏ ra số tiền không nhỏ để chia sẻ lại “gói” thứ bảy nhưng 3 năm qua HTV vẫn không tìm được quảng cáo, tài trợ. Lý do là thành phần khán giả mê bóng đá lại không phải là đối tượng khách hàng tiềm năng của các sản phẩm mà nhà quảng cáo hướng tới (có lẽ trừ sản phẩm… bia!. Các doanh nghiệp cho rằng một chiến dịch quảng cáo “dội bom” tập trung, liên tục trong một thời điểm, sự kiện thể thao nhất định như World Cup, EURO sẽ mang lại hiệu quả hơn. |
Còn giữa VPF với các doanh nghiệp trong Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam cũng chẳng phải là quan hệ đối tác, khách hàng. Bởi thực chất các doanh nghiệp này không hề có nhu cầu quảng cáo trong bóng đá (nếu có và thấy được hiệu quả thì họ đã tham gia từ lâu chứ không phải đợi đến bây giờ). Nó thuần túy dựa trên quan hệ cá nhân và uy tín của “bầu” Kiên, “bầu” Đức (chứ “bầu” Thắng, Chủ tịch VPF thì chưa đủ tầm). Tuy nhiên, những cam kết mang tính từ thiện, dựa trên… “tình cảm” thì không có gì đảm bảo sự ràng buộc, bền lâu. Ngay cả khi giữ đúng cam kết thì sau 3 năm, nếu các doanh nghiệp rút lui (thuần túy do công việc kinh doanh không còn phát đạt nữa) hay “bầu” Kiên, “bầu” Đức hết “hứng” với bóng đá và VPF, thì ai sẽ dám mua BQTHBĐ với cái 100 tỷ đồng? Không loại trừ giá trị BQTHBĐ sẽ đi theo con đường của thị trường chứng khoán Việt Nam.
Giá trị thật của BQTHBĐ chỉ có thể đo đếm, phản ánh bằng chất lượng của giải đấu, sức thu hút đối với người xem và sự cạnh tranh giữa các đài, còn “bán” được giá cao ngất ngưởng theo cách hiểu và làm của VPF là chỉ có ở Việt Nam.
Đông Kha