So với 3 mùa giải gần đây, năm nay không có một đội nào mạnh đến mức lấn át hẳn phần còn lại để một mình bứt lên ra đi dũng mãnh như trường hợp của V.Ninh Bình ở mùa 2009 (sau 14 vòng đấu giành được đến 33 điểm), Hà Nội ACB năm 2010 (30đ) và đặc biệt là Sài Gòn Xuân Thành năm rồi (34đ, bỏ đội thứ nhì là Bình Định tới tròn 10 đ).
So với 3 mùa giải gần đây, năm nay không có một đội nào mạnh đến mức lấn át hẳn phần còn lại để một mình bứt lên ra đi dũng mãnh như trường hợp của V.Ninh Bình ở mùa 2009 (sau 14 vòng đấu giành được đến 33 điểm), Hà Nội ACB năm 2010 (30đ) và đặc biệt là Sài Gòn Xuân Thành năm rồi (34đ, bỏ đội thứ nhì là Bình Định tới tròn 10 đ).
Hà Nội đang là ứng viên sáng giá nhất cho một vé thăng hạng trực tiếp V-League mùa bóng năm sau. Ảnh: T.L |
Bằng chứng cho thế giằng co, ngang ngửa này là có đến 5 cái tên thay nhau dẫn đầu kể từ đầu giải, theo thứ tự là Than QN (2 vòng đầu tiên), Đồng Tâm Long An (ĐTLA), Quảng Nam (3 vòng), Đồng Nai (vòng 5) và Hà Nội (HN). Mặc dù giữ ngôi đầu suốt 6 vòng đấu gần đây, kể từ vòng 9, nhưng sau vòng 13 kết thúc lượt đi, khoảng cách giữa HN với nhóm đông phía sau vẫn rất sít sao; còn vị trí thứ nhì hầu như được chuyển đổi liên tục như trong một cuộc chạy đua tiếp sức.
Tuy nhiên, sau lượt trận mở màn lượt về, vòng 14, với việc một loạt các ứng cử viên (ƯCV) ngã ngựa; HN (28đ) và An Giang (AG, 27đ) đã bắt đầu có sự phân hóa đáng kể với nhóm sau. Khoảng cách giữa đội đang xếp thứ 3 (Quảng Nam) với chiếc vé thăng hạng thứ 2 hiện đã là 2 trận thắng, cách biệt lớn hơn hẳn so với cùng kỳ 3 giải trước đây. Nếu quyết tâm của AG không gây ngạc nhiên khi đầu mùa với nhà tài trợ mới đầy tiềm lực, họ không hề giấu giếm mục tiêu thăng hạng và thành công của đội bóng Đồng bằng sông Cửu Long này dựa trên một hàng phòng thủ quá vững chắc (AG là đội duy nhất chỉ mới một lần bại trận và qua 14 vòng đấu mới chỉ để thủng lưới 2 bàn); thì việc HN liên tục dẫn đầu lại là một bất ngờ thực sự. Lực lượng (kể cả ngoại binh) chỉ thuộc loại trung bình khá (bằng chứng là không có một cái tên nào của đội bóng do HLV Hoàng Văn Phúc dẫn dắt có trong danh sách các chân sút ghi bàn hàng đầu, cầu thủ ghi bàn nhiều nhất của họ cũng mới chỉ có 4 bàn thắng và lại là một cái tên nội binh lạ hoắc: Ngân Văn Đại), nhưng HN lại là đội có chiến thắng nhiều nhất (9/14 trận).
Không có một chân sút tầm cỡ nhưng sự nguy hiểm của đội bóng hạng nhất của “bầu” Hiển lại đến từ mọi vị trí trên sân khi họ cũng là đội đang dẫn đầu về số bàn thắng với 22 lần phá lưới đối phương. Nhưng “vũ khí” chính của đội bóng này là ý chí, khát khao muốn khẳng định mình để đổi đời của các cầu thủ trẻ, cùng lối chơi rất giàu tiểu xảo. Tuy nhiên, vấn đề khiến dư luận thắc mắc là động cơ thăng hạng thực sự của HN, bởi nếu “bầu” Hiển còn có thể biện minh cho việc mình chỉ là nhà tài trợ cho SHB Đà Nẵng thì giữa Hà Nội T&T và HN là trường hợp “một ông chủ 2 đội bóng” quá rõ ràng, không thể có chuyện cùng chơi ở V-League.
Dù vậy, không phải là HN hay AG mà dấu ấn đậm nét và bất ngờ lớn nhất của giải hạng nhất 2012 sau hơn nửa hành trình chính là sự sa sút đồng loạt của những ƯCV được đánh giá cao trước khi bóng lăn: ĐTLA, Bình Định, Than QN.
Trần Đỗ