Không chỉ là những thành viên đầu tiên của đoàn TTVN mà U.22 Việt Nam còn là đội tuyển bóng đá nam đầu tiên có mặt tại Malaysia. Từ đội tuyển quốc gia đến U.23, giờ đây "giấc mơ vàng" SEA Games được chuyển giao cho thế hệ U.22.
Không chỉ là những thành viên đầu tiên của đoàn TTVN mà U.22 Việt Nam còn là đội tuyển bóng đá nam đầu tiên có mặt tại Malaysia. Từ đội tuyển quốc gia đến U.23, giờ đây “giấc mơ vàng” SEA Games được chuyển giao cho thế hệ U.22. Sau đây là những lý do có thể và cản ngại trên hành trình bước lên bục cao nhất của thầy trò HLV Hữu Thắng.
HLV Hữu Thắng trong vòng vây của giới truyền thông Malaysia tại sân bay Kuala Lumpur. |
“Không bây giờ thì bao giờ?!”
1. “Bầu” Đức và không ít người tin như vậy bởi chưa khi nào U.22 Việt Nam sở hữu một tập thể tài năng trẻ đồng đều, được đào tạo bài bản, có thời gian dài chơi bóng với nhau và kinh qua nhiều giải đấu chất lượng để cùng vào độ chín như tại SEA Games này, trong đó nhiều nhân tố cá nhân có khả năng làm nên khác biệt. Đạo đức và tính chuyên nghiệp của lứa cầu thủ này cũng khiến mọi người có thể yên tâm, loại trừ “bóng ma tiêu cực”.
2. Trong khi đó các đối thủ, đặc biệt “chướng ngại” lớn nhất Thái Lan đều suy giảm sức mạnh bởi sự chuyển giao lực lượng, hầu hết các cầu thủ xuất sắc nhất đều quá tuổi.
3. U.22 Việt Nam có quỹ thời gian tập trung chuẩn bị liên tục dài nhất trong số 11 đội (nhờ cả V.League dừng lại để “phục vụ”), đặc biệt lần đầu tiên bước vào một giải đấu lớn mà bóng đá Việt Nam không gặp vấn đề chấn thương nào.
4. Tuy vào “bảng tử thần” nhưng lịch đấu thuận lợi khi được gặp các đối thủ từ nhẹ đến nặng dần, giúp có thời gian thích nghi, điều chỉnh.
5. Khí thế và sự tự tin của cả nền bóng đá đang dâng cao sau hàng loạt thành công của các đội tuyển trẻ 2 năm qua mà mới nhất là chiến tích đánh bại chủ nhà Thái Lan để lên ngôi U.15 Đông Nam Á.
Ám ảnh quá khứ
1. Áp lực, gánh nặng lịch sử 58 năm sau chiếc HCV ở kỳ SEAP Games đầu tiên và 26 năm kể từ khi hội nhập trở lại là quá lớn, quá nặng nề. Các học trò Hữu Thắng lại thiếu phẩm chất của nhà vô địch khi cả 2 lứa U.19 của Công Phượng và Quang Hải đều chưa từng một lần lên ngôi cao nhất khu vực (chỉ về nhì).
2. Đội hình không mạnh bằng SEA Games trước, nhất là vị trí thủ môn và tiền đạo.
3. Năng lực của HLV, nhất là khả năng “đọc” trận đấu, điều chỉnh đấu pháp nhanh nhạy có giới hạn.
4. Chưa được sát hạch thực sự đúng mức về khả năng chịu đựng sức ép và phòng ngự khi trải qua vòng loại U.23 châu Á và 3 trận giao hữu với các đại diện Hàn Quốc có phần quá dễ dàng.
5. Thể lực, điểm rơi phong độ vẫn là dấu hỏi.
Đông Kha
Những cầu thủ được “điểm mặt” Nhật báo thể thao lớn nhất Thái Lan Siam Sports vừa có bài “điểm mặt” 5 cầu thủ đáng xem nhất tại SEA Games 29, trong đó với U.22 Việt Nam là cầu thủ Công Phượng. Ngoài đội trưởng HAGL, 4 cái tên còn lại là tiền đạo Aung Thu (Myanmar), tiền đạo Chenrop Samphaodi (Thái Lan), tiền vệ Evan Dimas (Indonesia) và hậu vệ Adam Nor Azlin (Malaysia). Công Phượng, Samphaodi và Dimas sẽ có cơ hội chạm trán nhau khi cùng nằm ở bảng B. Trước đó, hồi đầu tháng 8 nhà bình luận Scott McIntyre của Four Four Two cũng có bài viết chỉ ra 10 cầu thủ xuất sắc của bóng đá khu vực mà “tài năng sẽ lãng phí nếu chơi bóng ở Đông Nam Á”. Trong số này có 3 cầu thủ U.22 sẽ góp mặt tại SEA Games 29 là hậu vệ Vũ Văn Thanh của Việt Nam, cầu thủ đa năng Nub Tola của U.22 Campuchia và tiền đạo Aung Thu của U.22 Myanmar. Trung Dũng |