Cây viết John Duerden của FOX Sport, người từng rất ngưỡng mộ lối chơi và kỹ thuật của các cầu thủ trẻ Việt Nam tại SEA Games 29 dưới thời HLV Hữu Thắng, sau vòng bảng bình luận không hài lòng về lối chơi "tử thủ xe buýt" của đội bóng HLV Park Hang-seo và cho rằng phong cách bóng đá và tố chất cầu thủ Việt Nam phải là lối chơi đẹp mắt, kiểm soát bóng.
Cây viết John Duerden của FOX Sport, người từng rất ngưỡng mộ lối chơi và kỹ thuật của các cầu thủ trẻ Việt Nam tại SEA Games 29 dưới thời HLV Hữu Thắng, sau vòng bảng bình luận không hài lòng về lối chơi “tử thủ xe buýt” của đội bóng HLV Park Hang-seo và cho rằng phong cách bóng đá và tố chất cầu thủ Việt Nam phải là lối chơi đẹp mắt, kiểm soát bóng.
Nhưng giải đấu vừa qua là cấp châu lục chứ không phải khu vực. Các đối thủ đến từ Đông Á, Tây Á và Úc châu đều vượt trội hơn cầu thủ Việt Nam về mọi mặt, không chỉ trình độ mà đặc biệt là thể hình, sức vóc. Chơi áp đặt, đôi công chẳng khác nào “tự sát”. Việc cầm bóng ban bật, phối hợp đến tận cầu môn đối phương là chuyện hoang đường. Thực tế như trận gặp Syria, U.23 Việt Nam hầu như không thể thực hiện quá 3 đường chuyền, ta chạy 1 bước rưỡi đối phương chỉ sải 1, chỉ cần choàng người, tì đè là cướp được bóng. Trong thế thua thiệt ấy, phương cách đối phó duy nhất là nhường quyền kiểm soát bóng từ 2/3 phần sân trở lên, tập trung lùi về lấy đông chống ít, tổ chức nhiều lớp phòng ngự có chiều sâu, tích cực quây ráp và tung đòn phản công chớp nhoáng đúng chỗ hiểm.
Đây không phải lần đầu tiên một đội tuyển Việt Nam áp dụng phòng ngự chặt, phản công nhanh. Trong quá khứ chính lối chơi này đã đưa chúng ta lần duy nhất lên ngôi ở AFF Cup 2008 mà đỉnh cao là 2 chiến thắng oanh liệt ở trận bán kết lượt về trên sân Singapore và trận chung kết lượt đi tại Thái Lan. 2 năm sau đó chúng ta từ bỏ, chuyển sang đá tấn công, áp đặt vì HLV Calisto muốn Việt Nam phải chơi “với tư thế nhà vô địch”, và thất bại (sau này ông “Tô” đã thừa nhận sai lầm của mình).
Đúng là HLV Park Hang-seo xây cao hàng thủ như một chiếc xe buýt 2 tầng án ngữ trước khung thành, nhưng U.23 Việt Nam không hề chỉ phòng ngự tiêu cực mà có hệ thống tổ chức rõ rệt. Kỷ luật chiến thuật và cự ly đội hình được giữ hợp lý. Khi có cơ hội sẵn sàng xông lên phản đòn. Tại vòng bảng, bàn thắng vào lưới Hàn Quốc có thể coi là mẫu mực của nghệ thuật phản công và là sản phẩm của miếng đánh có chủ đích, được tập luyện, chuẩn bị. Hay trong pha phạt góc dẫn đến kết liễu Australia có đến 8 chiếc áo đỏ lên tham gia tấn công, trong đó cả 3 hậu vệ Văn Hậu, Duy Mạnh, Tiến Dũng cùng xuất hiện trong vùng cấm. Đến vòng đấu loại trực tiếp, với 6 bàn thắng qua 3 trận, làm sao nói U.23 Việt Nam chỉ biết phòng ngự tiêu cực (sau đó chính John Duerden cũng phải có cái nhìn hoàn toàn khác, khen ngợi hết lời)? Và chắc chắn, trước những đối thủ “bằng vai phải lứa” nhà cầm quân người Hàn Quốc cũng biết chơi tấn công đẹp mắt. Bằng chứng là chiến thắng 4-0 của U.23 Việt Nam trước Myanmar tại M-150 Cup trước giải.
Tất nhiên ai chẳng muốn thắng đẹp, vừa hiệu quả vừa cống hiến làm mãn nhãn người xem, nhưng trong binh pháp yếu tố hàng đầu là phải “biết người, biết ta”. Suy cho cùng thể thao là thành tích, hiệu quả chiến thuật là kết quả chứ không phải tấn công, kiểm soát bóng nhiều hay ít.
Đông Kha