Pyeonchang 2018 đã lập hàng loạt kỷ lục: kỳ Olympic mùa Đông có số lượng tham dự đông đảo nhất với 2.922 VĐV của 92 quốc gia và vùng lãnh thổ (6 nước lần đầu tiên ra mắt là Ecuador, Eritrea, Kosovo, Nigeria và Malaysia, Singapore), có nhiều nội dung tranh tài nhất với 102 nội dung của 15 môn ...
Pyeonchang 2018 đã lập hàng loạt kỷ lục: kỳ Olympic mùa Đông có số lượng tham dự đông đảo nhất với 2.922 VĐV của 92 quốc gia và vùng lãnh thổ (6 nước lần đầu tiên ra mắt là Ecuador, Eritrea, Kosovo, Nigeria và Malaysia, Singapore), có nhiều nội dung tranh tài nhất với 102 nội dung của 15 môn (6 nội dung mới là trượt ván trên tuyết , bi đá trên băng đôi hỗn hợp, trượt băng tốc độ xuất phát băng đồng và trượt tuyết đổ đèo đồng đội hỗn hợp).
* Na Uy trở lại thống trị
Với 14 HCV, 14 HCB và 11 HCĐ Na Uy đã trở lại đỉnh Olympic mùa Đông sau 16 năm. Tuy nhiên, chiến thắng lần này rất sít sao chỉ hơn Đức về số HCB và HVĐ nhờ trong ngày thi đấu cuối cùng đội hockey trên băng của nước này mất HCV sít sao trước đội đến từ Nga trong khi Na Uy có thêm chiếc HCV trượt tuyết 30km băng đồng nữ.
Đây là lần thứ 8 trong lịch sử đất nước Bắc Âu của những Viking giành ngôi nhất toàn đoàn (trong đó có 5 trong 6 kỳ đầu tiên), thậm chí còn lập kỷ lục về tổng số HC (39, vượt qua cột mốc 37 HC của Mỹ lập ở Vancouver 2010). Đặc biệt, họ thống trị tuyệt đối ở nội dung trượt tuyết băng đồng, khi giành tới 14 tấm HC, với 7 HCV (hơn cả tổng số HCV của chủ nhà Hàn Quốc). Trong đó phải kể đến “tượng đài” Marit Bjogen. Với chiếc HCV trượt tuyết 30km băng đồng trong ngày thi đấu cuối cùng tại Pyeonchang 2018, nữ huyền thoại xuất sắc nhất trong lịch sử Olympic mùa Đông 37 tuổi này đã giành tổng cộng 15 HC Olympic (8 HCV).
Tính chung trong suốt chiều dài lịch sử 94 năm của 23 kỳ Olympic mùa Đông Na Uy cũng đang dẫn đầu rất xa với tổng cộng 368 HC (132V, 125B, 111Đ).
* Điểm sáng và tối
Tại Pyeonchang 2018 có 2 đoàn VĐV rất đặc biệt. Đó là đoàn VĐV Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên cùng sát cánh dưới cờ nước Triều Tiên thống nhất trong lễ khai mạc và bế mạc. Không chỉ vậy một đội tuyển khúc côn cầu trên băng nữ của 2 miền cùng thi đấu trong màu áo thống nhất. Tại lễ bế mạc Chủ tịch IOC đã gọi đây là “một tương lai hòa bình” của bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó quốc kỳ và Quốc ca Nga, cường quốc mà 4 năm trước đã “làm mưa làm gió” trên sân nhà và trong quá khứ từng 9 lần dẫn đầu Olympic mùa Đông, đã không được xuất hiện. Do việc sử dụng doping có hệ thống tại Sochi 2014, IOC đã quyết định áp dụng trừng phạt bằng cách các VĐV Nga chỉ được tham gia thi đấu tại Pyeonchang 2018 với tư cách “VĐV Olympic đến từ Nga” (OAR) dưới một lá cờ trung lập và với bài hát Olympic trong bất kỳ lễ nghi nào.
Nỗi xấu hổ càng thêm bẽ bàng khi 168 “VĐV đến từ Nga” chỉ giành được vỏn vẹn 2 HCV, xếp thứ 13/30 đoàn giành HC (so với 4 năm trước dẫn đầu với 11 HCV) và lại có thêm 2 VĐV bị vạch trần sử dụng doping mà 1 bị tước HCĐ.
Tạm biệt Pyeonchang 2018, hẹn gặp lại Bắc Kinh 2022!
Trung Dũng