Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Người mang đến sự "lột xác"

11:02, 07/02/2018

Những căn bệnh cố hữu trầm kha tưởng như không có thuốc chữa: hàng phòng ngự thiếu chắc chắn, mắc vô số sai lầm; khả năng dứt điểm, tận dụng cơ hội kém; sự thua thiệt về thể hình, thể lực và đặc biệt bản lĩnh, tâm lý yếu trong những thời điểm quyết định...

[links()]Những căn bệnh cố hữu trầm kha tưởng như không có thuốc chữa: hàng phòng ngự thiếu chắc chắn, mắc vô số sai lầm; khả năng dứt điểm, tận dụng cơ hội kém; sự thua thiệt về thể hình, thể lực và đặc biệt bản lĩnh, tâm lý yếu trong những thời điểm quyết định...; tất cả bỗng nhiên biến mất. Điều gì khiến một tập thể, cũng với những con người vừa thất bại tủi hổ ở SEA Games 29 năm tháng trước trở nên lột xác, lớn nhanh như Phù Đổng? Chẳng có “đôi đũa thần” nào mà “kiến trúc sư” mang đến sự thay đổi diện mạo của U.23 Việt Nam chính là tân HLV Park Hang-seo.

HLV Park là niềm cảm hứng, là người truyển lửa cho các cầu thủ U.23 Việt Nam. Trong ảnh: Các cầu thủ U.23 Việt Nam công kênh HLV Park sau trận đấu với Qatar.
HLV Park là niềm cảm hứng, là người truyển lửa cho các cầu thủ U.23 Việt Nam. Trong ảnh: Các cầu thủ U.23 Việt Nam công kênh HLV Park sau trận đấu với Qatar.

* Người truyền lửa

Chưa có một HLV nước ngoài nào của bóng đá Việt Nam lại nhanh chóng mang đến thành công và được giới chuyên môn, đồng nghiệp trong nước thống nhất cao thừa nhận, nể phục như thế.

Như đã đề cập, yếu tố đầu tiên làm nên “kỳ tích” lịch sử của U.23 Việt Nam trên đất Trung Quốc là tinh thần tự tin, tâm lý vững vàng đến đáng ngạc nhiên và ông Park chính là người truyền ngọn lửa tự tin ấy cho các học trò. Như nhà cầm quân Hàn Quốc thừa nhận, ông không có những bài tập thể lực đặc biệt nào mà “bí quyết” ở đây là giúp cho các học trò xóa bỏ mặc cảm định kiến thể lực yếu, thua kém so với đối thủ và gieo vào đầu họ sự tự tin về những mặt mạnh hơn của mình, để khai phá những khả năng mới.

Cũng chẳng phải lúc nào các cầu thủ cũng giữ vững được tâm lý, như phiên dịch Lê Huy Khoa kể sau hiệp I trận bán kết bị Qatar dẫn bởi quả phạt đền, trong phòng thay đồ, thấy cầu thủ xuống tinh thần HLV Park đã hét lên: Việc gì mà phải mất tự tin đến thế? Và trước thái độ “hung hăng” của “ông già” các cầu thủ như tỉnh lại, động viên nhau lấy lại được tự tin để chiến thắng. Và Khoa kết luận “HLV Park là niềm cảm hứng, là người truyển lửa bất tận và một lão chiến tướng cực kỳ kinh nghiệm”.

* Tập 3-4-3 để đá 5-4-1

Cho đến trận ra quân trên đất Trung Quốc với U.23 Hàn Quốc, HLV Park Hang-seo chỉ mới có đúng 42 ngày làm việc cùng các cầu thủ U.23 Việt Nam. Nhưng chỉ trong thời gian ngắn ấy ông đã làm cuộc cách mạng triệt để về lối chơi, chiến thuật. Tại M-150 Cup ở Thái Lan, lần đầu tiên một đội tuyển Việt Nam áp dụng sơ đồ 3-4-3. Sự cách tân này khi ấy đã gây không ít hồ nghi, thậm chí phản đối nhất là sau khi hàng phòng ngự liên tục mắc sai sót, vì cho rằng các cầu thủ Việt Nam không quen chơi 3 hậu vệ, hơn nữa các đối thủ tại VCK U.23 châu Á đều mạnh hơn ta sao lại bố trí đội hình thiên về tấn công? Nhưng ông Park vẫn kiên định với lối chơi  của mình.

Tuy nhiên vào giải người ta thấy U.23 Việt Nam chơi 5-4-1. Bấy giờ mới hiểu ý đồ của nhà cầm quân Hàn Quốc. Từng tập 3-4-3 phải căng ra dàn trải, quán xuyến cả bề ngang sân để bọc lót, nên khi đá thu lại gần nhau nhiệm vụ của 3 trung vệ Duy Mạnh - Tiến Dũng - Đình Trọng trở nên nhẹ nhàng, thoải mái mà khu trung lộ của U.23 Việt Nam cũng trở nên chặt chẽ, chắc chắn hơn hẳn, đồng thời khắc phục được những bất lợi về thể hình. Với chỉ việc kéo Văn Hậu, Văn Thanh về và các tiền vệ, tiền đạo được lệnh tích cực hỗ trợ từ xa, giữ cự ly đội hình, hệ thống phòng ngự của U.23 Việt Nam được xây dựng, tổ chức rất tốt, không hề bị rối kể cả những thời điểm chịu sức ép nhất (những điều mà trước đó HLV Hữu Thắng, dù vốn là 1 trung vệ hầu như bất lực). Song song đó những miếng đánh, phương án tấn công cũng được chuẩn bị chu đáo, nhuần nhuyễn. 8 bàn thắng, đều rất đẹp mắt, là kết quả của những đòn có chủ đích chứ không phải may mắn.

U.23 Việt Nam cũng không cố định với 5-4-1 mà khi cần thiết với sự nhanh nhạy về chiến thuật của HLV Park, sẵn sàng nhanh chóng chuyển sang 5-3-2, 4-3-3, 3-5-2. Riêng trận bán kết với Qatar 3 lần thay người là 3 lần thay đổi sơ đồ chiến thuật. Tóm lại là tùy cách tiếp cận trận đấu, thế trận mà chuyển đổi khi nào cần phòng ngự số đông, đánh chặn từ xa, khi nào phải đẩy cao đội hình, tập trung quân số cho mặt trận tấn công.

Không chỉ linh hoạt trong vận dụng chiến thuật, HLV Park Hang-seo thực sự là bậc thầy về cách dụng binh, dùng người mà 2 trường hợp điển hình là vai trò tiền vệ trung tâm của Đức Huy và sự tỏa sáng của Phan Văn Đức - cái tên được bổ sung cuối cùng và chưa từng được ra sân phút nào trước khi vào giải, kể cả cuộc thử nghiệm cuối cùng với Palestine. Những quyết định thay đổi nhân sự cũng không đơn thuần là thay người mà để phục vụ cho mục đích yêu cầu chiến thuật, điều chỉnh lối chơi (Hồng Duy, Văn Toàn).

Để đánh giá, ghi nhận tài cầm quân của chiến lược gia người Hàn Quốc có lẽ tốt nhất xin mượn lời của HLV Lê Thụy Hải, vị HLV lão làng “giàu thành tích nhất V.League” vốn rất tự tôn và kiệm lời khen: “Có những chiêu thức dụng binh của ông Park mà các HLV trong nước như tôi cũng không biết được”.

Đông Kha

Tin xem nhiều