Như Báo Đồng Nai đã đề cập về trường hợp ngoại binh Claudecir của Quảng Nam vì được một đội bóng rù quến, hứa hẹn các quyền lợi vật chất cao mà "làm mình làm mẩy", nhất mực đòi xé bỏ hợp đồng trước thời hạn 1 năm, câu chuyện ở đây không thể chỉ dừng lại việc trừng phạt cầu thủ.
Như Báo Đồng Nai đã đề cập về trường hợp ngoại binh Claudecir của Quảng Nam vì được một đội bóng rù quến, hứa hẹn các quyền lợi vật chất cao mà “làm mình làm mẩy”, nhất mực đòi xé bỏ hợp đồng trước thời hạn 1 năm, câu chuyện ở đây không thể chỉ dừng lại việc trừng phạt cầu thủ. Suy cho cùng các cầu thủ, đặc biệt đến từ nước ngoài, đều là người lao động, đá bóng để kiếm sống nên muốn đầu quân cho nơi được đãi ngộ cao hơn là lẽ bình thường. “Thủ phạm” trong sự việc này chính là đội bóng đã chơi xấu “đi đêm”, chèo kéo cầu thủ.
Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, điều 17 về “Hợp đồng lao động” quy định rõ: “Cầu thủ chỉ có thể đàm phán hợp đồng với một CLB khác khi hợp đồng với CLB hiện thời đã hết hạn hoặc sẽ hết hạn trong vòng 6 tháng mà 2 bên không quyết định gia hạn hay ký tiếp. Trước khi tiến hành thương thảo (CLB muốn có) cầu thủ đó phải thông báo bằng văn bản cho CLB hiện thời của cầu thủ (đồng thời gửi VFF). Trong quá trình thương thảo, các bên không được trao đổi lợi ích vật chất hoặc có bất cứ thỏa thuận nào nhằm làm ảnh hưởng tới tinh thần và kết quả thi đấu của cầu thủ tại CLB hiện thời”.
Rõ ràng đội bóng muốn chiêu mộ Claudecir đã “xé rào”, vi phạm nghiêm trọng quy chế. Lãnh đạo CLB Quảng Nam nói biết đó là CLB nào nhưng “không muốn làm lớn chuyện”. Tuy nhiên với trách nhiệm quản lý, điều hành và nắm giữ kỷ cương của nền bóng đá, VFF cần phải vào cuộc làm cho ra lẽ và có biện pháp xử lý nghiêm để làm gương, răn đe, ngăn chặn tình trạng tương tự trong tương lai.
Đông Kha