Cuối tuần qua, BCH Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa 7 đã tổ chức hội nghị lần thứ 12, trong đó nội dung quan trọng là chuẩn bị cho Đại hội VFF nhiệm kỳ mới 2018-2022 dự kiến diễn ra vào giữa tháng 4.
Cuối tuần qua, BCH Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khóa 7 đã tổ chức hội nghị lần thứ 12, trong đó nội dung quan trọng là chuẩn bị cho Đại hội VFF nhiệm kỳ mới 2018-2022 dự kiến diễn ra vào giữa tháng 4.
Báo cáo tại hội nghị cho biết đến thời điểm này có 43 ứng viên được giới thiệu tham gia BCH khóa mới để bầu 17 người (khóa 7 là 23 người). Các ứng viên cho các vị trí chủ chốt cũng được chính thức công bố. Theo đó, ở vị trí cao nhất Chủ tịch VFF khóa 8 lần đầu tiên có đến 4 gương mặt được giới thiệu. Trong số này ông Trần Quốc Tuấn (đương kim Phó chủ tịch) và Nguyễn Công Khế (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn truyền thông Thanh Niên) tỏ ra có ưu thế hơn 2 đối thủ vốn là “người” của Tổng cục TDTT là ông Cấn Văn Nghĩa (Giám đốc Khu liên hợp TTQG Mỹ Đình) và ông Lê Quý Phượng (nguyên Hiệu trưởng Trường đại học TDTT TP.Hồ Chí Minh) vì được nhiều người biết đến. Đi lên từ chức vụ Tổng thư ký, hàng chục năm gắn bó với VFF ông Tuấn là người thạo việc nhất, lại có mối quan hệ quốc tế nên được đa số các CLB và “người trong giới” ủng hộ. Tuy nhiên những người ghét ông, lớn tiếng và làm hết sức chống đối lại không ít. Cựu Tổng biên tập Báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế tuy là người “ngoại đạo” nhưng có tên tuổi với bóng đá Việt Nam khi gắn với Giải U.21 quốc gia và quốc tế gần 20 năm qua (từng là Phó chủ tịch, Trưởng ban Đạo đức VPF trước khi từ nhiệm). Ông Khế lại được “phe” “chấn hưng bóng đá”, một số tờ báo và những người hy vọng làn gió mới tích cực “lobby” hình ảnh.
Kỳ thực ông Tuấn “tổng” đảm trách chức vụ Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn như hiện nay là phù hợp hơn và sẽ chắc thắng, bởi 2 đối thủ ông Phạm Ngọc Viễn (nguyên Phó chủ tịch VFF, VPF) đã có tuổi, còn ông Dương Vũ Lâm (Trưởng đại diện VFF phía Nam, Trưởng đoàn U.23 Việt Nam tại VCK U.23 châu Á vừa qua) chưa đủ “số má” và không nhận được nhiều ủng hộ từ các phiếu bầu phía Bắc. Do vậy nếu không có thêm ứng viên sáng giá nào bất ngờ xuất hiện, ông Khế có thể trúng cử tân Chủ tịch VFF.
Ở vị trí Phó chủ tịch truyền thông - đối ngoại, ông Nguyễn Xuân Gụ tái cử và khá ngạc nhiên khi ông Nguyễn Lân Trung (người thất bại trước ông Gụ ở cuộc đua khóa trước) vẫn được giới thiệu lại. Sau một nhiệm kỳ mờ nhạt, chủ yếu làm công việc “hiếu hỉ” ông Gụ cho thấy chiếc áo này quá rộng với mình, còn sự xuất hiện “tranh công” trong ngày đón U.23 Việt Nam trở về khiến ông Trung càng bị mất uy tín nghiêm trọng. Vô hình trung Tổng biên tập Báo Bóng Đá (thuộc VFF) Nguyễn Văn Phú hưởng lợi “tọa sơn quan hổ đấu”.
Sau 2 doanh nhân Lê Hùng Dũng và Đoàn Nguyên Đức, vị trí Phó chủ tịch tài chính hầu như chắc chắn được trao cho tân chủ tịch VPF Trần Anh Tú (ông chủ của Công ty Thái Sơn Nam) khi chỉ “một mình một ngựa” trong cuộc đua.
Trên đây chỉ là những dự đoán khi bóng chỉ mới vừa lăn, với nội tình VFF hoàn toàn có khả năng xuất hiện những diễn biến bất ngờ ở phút 89, 90, thậm chí là... vào phút bù giờ; hơn nữa số phận lá phiếu còn tùy thuộc vào thành phần những ai trúng cử vào BCH.
Đông Kha