Là địa phương thừa truyền thống, CLB duy nhất chưa từng rớt hạng, hiện diện đủ ở tất cả các mùa giải cao nhất của làng túc cầu, thậm chí là nhà vô địch đầu tiên khi Giải VĐQG chuyển sang chuyên nghiệp 2000-2001, nhưng SLNA cũng… "nghèo truyền thống".
Là địa phương thừa truyền thống, CLB duy nhất chưa từng rớt hạng, hiện diện đủ ở tất cả các mùa giải cao nhất của làng túc cầu, thậm chí là nhà vô địch đầu tiên khi Giải VĐQG chuyển sang chuyên nghiệp 2000-2001, nhưng SLNA cũng… “nghèo truyền thống”. Sau lần cuối cùng lên đỉnh ở V.League 2011, năm nào đội bóng xứ Nghệ cũng đứng trước cuộc “chảy máu tài năng”.
SLNA sẵn sàng bước vào mùa giải mới |
Lần đầu tiên phải đi chung kết ngược, chỉ trụ hạng vào giờ chót ở mùa giải 2020, sang mùa giải 2021 còn tệ hơn, SLNA xếp bét bảng sau 12 vòng đấu và nếu giải không dừng lại rồi hủy bỏ chưa biết số phận CLB sẽ trôi về đâu. Nhưng đó cũng là giọt nước tràn ly, Chủ tịch CLB Nguyễn Hồng Thanh, “Gia Cát Lượng” của bóng đá xứ Nghệ buộc phải lui về; Ngân hàng Bắc Á sau 12 năm đồng hành cùng đội cũng chia tay. Với sự xuất hiện của nhà tài trợ mới là Tập đoàn Tân Long, SLNA bắt đầu cuộc lên đời. Không chỉ thay mới cái logo đã có từ 20 năm hay nâng cấp, sửa sang sân Vinh, cải thiện bữa ăn cho cầu thủ, đồng tiền cũng biến lượng thành chất cho đội hình.
Trước hết là giữ chân 3 tuyển thủ Phan Văn Đức, Xuân Mạnh, thủ môn Văn Hoàng. Tiếp đến, đưa về 2 người con xứ Nghệ: Trọng Hoàng, Quế Ngọc Hải (từ Viettel), Đình Hoàng (SHB. Đà Nẵng). Nếu Bình Định cùng nhiều CLB là tập hợp đội quân đánh thuê tứ xứ thì SLNA vẫn là đội bóng mang đậm chất địa phương, với toàn bộ dàn nội binh đều là người con của xứ Nghệ.
Về ngoại binh, cùng với sự trở lại của chân sút Nigieria Olaha sau 2 mùa chia tay đội sang Israel thi đấu, SLNA chiêu mộ 2 tân binh lần đầu tiên xuất hiện ở V.Leagua là tiền đạo Abdul Basit (Ghana) và tiền vệ OJong Mark (Cameroon).
HLV 8X Nguyễn Huy Hoàng tự tin khẳng định: SLNA sẵn sàng bước vào mùa giải mới với quyết tâm và mục tiêu cao nhất, tối thiểu là tốp 3.
Trần Đỗ