Sau khi thay nhau là "hiện tượng" ở 2 mùa giải liên tiếp với chức á quân V.League 2019 (CLB TP.HCM) và hạng 3 mùa giải 2020 (CLB Sài Gòn), 2 đại diện bóng đá TP.HCM sa sút đến mức rơi vào khủng hoảng, mùa rồi suýt đi "chung kết ngược" bởi sự sai lầm trong định hướng. Chính vì thế, sự chuẩn bị của 2 CLB năm nay khá im ắng.
Sau khi thay nhau là “hiện tượng” ở 2 mùa giải liên tiếp với chức á quân V.League 2019 (CLB TP.HCM) và hạng 3 mùa giải 2020 (CLB Sài Gòn), 2 đại diện bóng đá TP.HCM sa sút đến mức rơi vào khủng hoảng, mùa rồi suýt đi “chung kết ngược” bởi sự sai lầm trong định hướng. Chính vì thế, sự chuẩn bị của 2 CLB năm nay khá im ắng.
Với chiều cao của Cox, CLB TP.HCM sẽ có thêm bài tấn công tạt cánh đánh đầu |
* “Chiến hạm đỏ” quay đầu
Với chính sách vung tiền tấn chiêu mộ HLV và sao ngoại nhưng kết quả mà CLB TP.HCM nhận về chỉ là trái đắng. Tiếp tục là CLB “ồn ào” nhất mùa trước với HLV Polking cùng bản hợp đồng Lee Nguyễn và bộ 3 siêu tấn công người Brasil, nhưng có lúc đội bóng này rơi xuống vị trí áp chót bảng xếp hạng và khi giải dừng lại chỉ đứng thứ 4… từ dưới đếm lên.
Bài học đắt giá 2 mùa giải trước dường như đã khiến các ông chủ của các CLB xót của tỉnh ngộ. Động thái đầu tiên cho thấy “chiến hạm đỏ” “quay đầu vào bờ” là mời HLV nội Trần Minh Chiến - một biểu tượng của bóng đá Sài thành, nắm đội. Đây có lẽ cũng là “ngôi sao” sáng giá nhất mùa này của CLB TP.HCM, bởi sau khi Quế Ngọc Hải và Hải Huy “quay xe” từ chối, những bản hợp đồng mới đều bình thường: Dương Văn Khoa, Đình Bảo… và tiền đạo nhập tịch Hoàng Vũ Samson - chân sút “vĩ đại” nhất V.League nhưng đã ở bên kia sườn dốc sự nghiệp.
Chia tay với Lee Nguyễn và cả 3 ngoại binh người Brasil nhưng cũng không có “bom tấn” nào nổ. Trong 3 cái tên mới, 2 là cầu thủ người Brasil chưa ai biết đến: trung vệ Brendon và tiền vệ Cosendey. Tân binh thứ 3, tiền đạo người Panama Cox Goods dù đã được đăng ký nhưng giờ chót lại bị gạch tên vì là “hàng hớ”.
Dù vậy, với sự trở lại của Hoàng Thịnh sau 1 năm thụ án treo giò cùng những cựu tuyển thủ: Sầm Ngọc Đức, Huy Toàn, Hồ Tuấn Tài, Bùi Tiến Dũng, Lâm Ti Phông, Tùng Quốc…, với HLV Trần Minh Chiến và một tập thể đồng lòng, CLB TPHCM có thể nghĩ đến một sự khởi đầu mới, căn cơ hơn.
* Từ Nhật hóa trở về nội hóa
Không kém cạnh người anh em cùng thành phố, CLB Sài Gòn mùa trước cũng “rần rần” với chiến lược Nhật hóa của “ông bầu” Trần Hòa Bình, nhưng rốt cuộc chỉ là “thổi kêu bắn tịt”. Với nhà cầm quân và 3 ngoại binh tên tuổi (trong quá khứ) đến từ xứ Phù tang nhưng không chú trọng nâng chất dàn nội binh gần như hoàn toàn mới, sau vòng 8 đội bóng rơi xuống vị trí bét bảng. HLV Shimoda dứt áo về nước, trợ lý Phùng Thanh Phương lên thay cũng không kịp cứu vãn. Với vị trí áp chót chỉ hơn SLNA 3 điểm, nếu V.League 2021 không hủy, Sài Gòn FC sẽ là ứng viên hàng đầu rớt hạng.
Cùng với sự tẽn tò, “im hơi lặng tiếng” của vị chủ tịch, khác hẳn với màn ra mắt đình đám năm rồi, Sài Gòn FC bước vào mùa giải V.League 2022 rất khẽ khàng. Ngoài việc đưa về cựu thủ lĩnh Quốc Long nhờ CLB Hà Nội không dùng và thủ môn Hoài Anh của Than QN, các bản hợp đồng còn lại đều thuộc dạng cầu thủ trẻ hoặc tự do, lương, phí chuyển nhượng thấp.
Về ngoại binh, với chính sách “liệu cơm gắp mắm”, Sài Gòn FC chiêu mộ lại trung vệ Hàn Quốc Ahn Byung-keon từ Bình Định và tiền đạo Gustavo từng khoác áo CLB TP.HCM, chỉ có gương mặt mới tiền vệ Andre Vieira từng thi đấu ở Giải hạng Nhì Bồ Đào Nha.
Không ngạc nhiên khi HLV 44 tuổi Phùng Thanh Phương chỉ coi mùa giải năm nay là “bước đệm cho tương lai”, nhưng “tương lai” nào, ra sao thì chỉ mình “bầu” Bình biết.
Trần Đỗ - Phương Duy