Chưa bao giờ các cô gái đá bóng nhận được sự quan tâm của toàn xã hội đến thế. Với kỳ tích vượt qua Covid-19 để đoạt tấm vé dự World Cup lịch sử, đội tuyển nữ Việt Nam đã trở về nhà như những người hùng.
Chưa bao giờ các cô gái đá bóng nhận được sự quan tâm của toàn xã hội đến thế. Với kỳ tích vượt qua Covid-19 để đoạt tấm vé dự World Cup lịch sử, đội tuyển nữ Việt Nam đã trở về nhà như những người hùng. Những buổi đón tiếp, mừng công long trọng với vòi rồng, vòng nguyệt quế, diễu hành trên xe buýt mui trần…, cùng cơn mưa tiền thưởng lên đến hơn 30 tỷ đồng (tính cả giá trị ngoài hiện kim và khoản thưởng của địa phương cầu thủ).
Các cô gái tự tin trên sân cỏ bao nhiêu thì trên sân khấu lại bẽn lẽn khi được mặc áo dài |
Nhưng cũng như ngày 8-3, sau những đóa hoa rực rỡ, những lời chúc tụng ngọt ngào, phụ nữ cần được yêu thương, chăm sóc trong 364 ngày còn lại. Sau cú hích lịch sử World Cup, bóng đá nữ có gì khác?
Cả nước có gần 100 triệu dân với hơn 50% là nữ, nhưng chỉ có 6 đội bóng, trong đó Sơn La đứng trên bờ vực giải tán vì thiếu tiền, thiếu cầu thủ, Giải VĐQG 2021 “vắng như chùa bà đanh” mỗi đội chỉ đá 4 trận là hết. Sau những Huỳnh Như, Tuyết Dung, Chương Thị Kiều… là ai khi chỉ có mỗi nguồn cung cấp cầu thủ nữ từ Trung tâm Đào tạo bóng đá nữ trẻ của VFF với 2 lớp U.14, U.16.
Khoản thưởng tưởng lớn nhưng chi dùng hết, nhiều nữ tuyển thủ trở lại với cuộc sống, nghề nghiệp đối mặt với nỗi lo cơm áo, gạo tiền khi đồng lương có CLB chỉ 2 triệu đồng/tháng, ăn nghỉ dưới gầm cầu thang sân vận động ngày nắng nhiệt độ lên đến gần 400C…
Kêu gọi tài trợ cho bóng đá nữ khó như... lên trời nên rất cảm ơn, trân trọng những phần thưởng vật chất các doanh nghiệp, xã hội dành cho thầy trò HLV Mai Đức Chung vừa qua. Nhưng điều đó nó chỉ có tác dụng trước mắt, trong một quãng thời gian ngắn, chứ không có ý nghĩa lâu dài. Giá như không chỉ dừng lại ở nghĩa cử đột xuất, gắn tên với thành tích của “các cô gái kim cương” (tôn vinh của Thủ tướng) mà là sự đầu tư căn cơ, bền vững cho bóng đá nữ vốn đã chứng thực năng lực. Mỗi năm, ngân sách TP.HCM dành cho bóng đá nữ khoảng 15 tỷ đồng để nuôi 3 đội, với hơn 100 cầu thủ từ tuyến trẻ đến đội 1. Có nghĩa, với 30 tỷ đồng có thể duy trì hoạt động trong 2 năm, hoặc có thể thành lập hẳn 1 đội bóng mới, đủ “sống”, duy trì hoạt động trong 5 mùa giải.
Nhưng nói như HLV Mai Đức Chung: “Đời nào mơ được thế?”.
Bản thân các cô gái đá bóng không đòi hỏi, so sánh với các đồng nghiệp nam, nhưng đã là nền bóng đá nữ trong tốp 5 châu lục, sẽ lần đầu tiên bước ra đấu trường thế giới, chỉ cần một sự đầu tư tương xứng với tiềm năng của họ.
Đông Kha