Báo Đồng Nai điện tử
En

Thử mổ xẻ "hiện tượng" HAGL

09:03, 08/03/2022

HAGL tiếp tục sớm là "hiện tượng" của mùa này nhưng ở chiều hoàn toàn ngược lại. Từ một đội bóng có lối chơi công thủ toàn diện, HAGL đột nhiên trở thành đội bóng tầm thường.

HAGL tiếp tục sớm là “hiện tượng” của mùa này nhưng ở chiều hoàn toàn ngược lại. Từ một đội bóng có lối chơi công thủ toàn diện, HAGL đột nhiên trở thành đội bóng tầm thường.

HLV Kiatisak phải sớm tìm lại cho các cầu thủ niềm vui và cảm hứng này
HLV Kiatisak phải sớm tìm lại cho các cầu thủ niềm vui và cảm hứng này

Sau 3 vòng đầu tiên, đội bóng Phố núi không chỉ trắng tay mà dàn công từng là nỗi khiếp đảm năm rồi (nay còn được tăng cường thêm ngoại binh) còn chưa thể một lần ghi bàn.

* Nguyên cớ vì đâu?

Thất bại trước SLNA khiến HAGL có khởi đầu tệ nhất trong lịch sử của đội bóng. Ngay mùa giải 2015, khi “những đứa trẻ của “bầu” Đức” lần đầu lên chơi V.League, dù suýt rớt hạng nhưng 3 trận đầu tiên những cầu thủ tuổi đôi mươi cũng có 3 điểm với chiến thắng 4-2 trước Khánh Hòa trong ngày ra mắt. Hay ở mùa giải 2018, cũng bị cầm hòa 2 vòng đầu, đến trận thứ 3 HAGL đã nã pháo 4 lần vào lưới Nam Định.

Điều rất rõ ai cũng thấy, ở bước xuất phát V.League 2022 là một HAGL có sức ì quá lớn, mất động lực, không cảm hứng. Tuy nhiên, chúng tôi không cho rằng do các trụ cột sau thời gian dài phục vụ liên tục cho đội tuyển quốc gia gây cảm giác ngán bóng như HLV Kiatisak nhận định, nếu có chỉ là một phần, mà chủ yếu bởi 2 nguyên nhân là lối chơi của đội đã bị “bắt bài” và hiệu ứng HLV Kiatisak không còn.

Không phải sau khi HAGL băng băng dẫn đầu ở mùa rồi mà ngay từ khi ra ràng, dưới mắt các đối thủ “đội bóng quốc dân” này luôn là cái gai, “thua ai thì thua chứ không thua đám trẻ nhà “bầu” Đức”. Sự thăng hoa của đội bóng Phố núi cùng HLV Kiatisak càng khiến các đội nghiên cứu, tìm cách hóa giải. Thực ra cũng không có gì phức tạp, 3 HLV: Văn Sỹ, Thành Công và Huy Hoàng chẳng cần giấu giếm: Nam Định, Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, SLNA chỉ cần không để khoảng trống cho phẩm chất kỹ thuật của các cầu thủ HAGL phát huy; tập trung chia cắt mối dây liên lạc giữa các tiền vệ: Xuân Trường, Tuấn Anh, Minh Vương với phía trên; hóa giải cặp tiền đạo Văn Toàn - Brandao bằng cách bịt kín 2 nách (nếu có Công Phượng thì “đẩy” cầu thủ này ra xa cầu môn) và “ghìm” đôi cánh Văn Thanh - Hồng Duy không thể dâng cao, xuống biên. HAGL tắc tị!

Với hiệu ứng HLV Kiatisak, trở lại Phố núi theo lời mời của “bầu” Đức khá cập rập, thực tế HLV Kiatisak không có nhiều thời gian để chuẩn bị cho V.League 2021, nhưng ông đã lột xác ngoạn mục một tập thể tài năng nhưng phải “dành cả thanh xuân để trụ hạng”. Là thần tượng trong mắt các cầu thủ, với tài năng của một ngôi sao cùng tác phong dễ mến, hòa đồng, thậm chí văn nghệ, “Zico Thái” đã mang đến một hiệu ứng tâm lý tích cực to lớn, khơi dậy niềm vui, đam mê cùng sự tự tin, giúp các cầu thủ phát huy cá tính chơi bóng, phẩm chất cá nhân để thăng hoa, “cháy” hết mình. Sau đó mới là những vấn đề thuộc về chuyên môn.

Yếu tố thành công quan trọng ấy xem ra mùa này vì lý do nào đó, đã vơi bớt rất nhiều. Việc Văn Toàn thú nhận đánh mất tự tin là khá ngạc nhiên và kỳ lạ, bởi lẽ ra sau khi lỡ chức vô địch vì mùa giải dang dở, họ phải thêm tự tin và càng quyết tâm hơn. Câu chuyện “hiện tượng” đầu mùa của HAGL xem ra không nằm ở đôi chân mà từ cái đầu của các cầu thủ nhiều hơn. Một Kiatisak với “đôi mắt người Pleiku” đâu rồi?

* Có chăng lý do ngoài chuyên môn?

Có phải do nhóm cầu thủ trụ cột HAGL phải tập trung dài ngày liên tục cùng đội tuyển quốc gia nên khi quay về CLB có cảm giác nhàm chán, ngán bóng? Đúng là có đến 7 học trò đều trong đội hình chính của HLV Kiatisak luôn có tên trên đội tuyển, chỉ sau CLB Hà Nội, nhưng vai trò và cơ hội ra sân của họ là khác nhau.

Qua 8 trận vòng loại thứ 3 World Cup 2022 đến nay và 6 trận AFF Cup vào cuối năm ngoái, chỉ thường xuyên đá chính là 2 hậu vệ cánh Hồng Duy và Văn Thanh. Nhưng vấn đề của HAGL nằm ở mặt trận tấn công; trong đó, trên tuyển Tuấn Anh, Xuân Trường hầu như thay nhau, người này đá thì người kia nghỉ. Công Phượng chỉ vào sân ở nửa cuối hiệp 2 như nhân tố tìm kiếm sự đột biến của HLV Park (nhưng thường không mang lại), Văn Toàn thậm chí chỉ là “sự thay người chiến thuật” vào cuối trận (trận thi đấu nhiều nhất là 45 phút hiệp 2 tại Australia). Đó cũng là trận duy nhất mà Minh Vương được vào sân và đá… 19 phút. Tiền vệ này là người mờ nhạt nhất trong 3 trận V.League vừa qua của HAGL, vậy thì “ngán bóng” cái nỗi gì?

Rõ ràng, quân của “bầu” Đức không còn vị thế trên tuyển. Dẫn chứng là trong trận đấu hay nhất, chiến thắng Trung Quốc 3-1, HAGL chỉ có cái tên duy nhất trong đội hình chính: Hồng Duy (chơi 85 phút trước khi nhường chỗ cho đồng đội ở CLB là Văn Thanh). Cái tên HAGL thứ 3 vào sân là Công Phượng ở phút… 90+1.

Trong bối cảnh mùa bóng 2021 hủy bỏ, sự nặng nề, thiếu cảm hứng của các học trò HLV Kiatisak rõ ràng không phải vì quá tải. Năm 2018, Quang Hải từng phải cày ải hơn 50 trận đấu trong màu áo CLB cùng đội tuyển quốc gia và tuyển U.23.

Còn phải chăng vì tập trung liên tục cùng đội tuyển nên 7 cầu thủ HAGL không có nhiều thời gian tập chung cùng CLB? Đúng là sau trận đấu cuối cùng với tuyển Trung Quốc vào ngày 1-2, Công Phượng, Văn Toàn, Xuân Trường, Tuấn Anh… chỉ có khoảng 20 ngày để cùng HAGL chuẩn bị cho V.League 2022. Tuy nhiên, đó không phải là trở ngại đáng kể khi đội hình HAGL đã ăn tập cùng nhau từ năm 11-12 tuổi và đã có 7 mùa V.League chinh chiến bên nhau.

Tâm lý “ngán bóng” của các tài năng HAGL nếu có, không xuất phát từ đôi chân mệt mỏi mà có thể từ cái đầu, mà theo chúng tôi là bởi có quá nhiều sự phân tâm. Công Phượng có gia đình viên mãn, Xuân Trường chuẩn bị đón đứa con đầu lòng. Các ngôi sao của “bầu” Đức còn rất giỏi kinh doanh, ở tuổi sung sức đã sớm chuẩn bị cho tương lai sau sân cỏ.

6 cầu thủ: Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn, Văn Thanh, Minh Vương và Hồng Duy được 3 “ông bầu” chuyển nhượng sở hữu quán flagship sang nhất trong chuỗi cà phê Ông Bầu tại TP.HCM. Riêng Văn Toàn ngoài thương hiệu thời trang VATO9’, mới đây còn khai trương cơ sở cà phê Ông Bầu tại Hải Phòng do mình làm chủ. Công Phượng cũng quản lý riêng một cơ cở cà phê Ông Bầu khác và mở công ty thương mại, tiếp thị, sản xuất dụng cụ thể dục thể thao. Xuân Trường đồng sáng lập và chủ đầu tư trung tâm phục hồi chấn thương thể thao quốc tế tại Hà Nội…

Đang ở độ chín nhất của sự nghiệp nhưng nếu để tâm lý sớm bằng lòng với những gì đã đạt được (vì thành công và được tung hô quá sớm), xao nhãng bởi những mối bận tâm bên ngoài sân cỏ, chức vô địch của lứa cầu thủ HAGL tài năng này sẽ khó lòng đạt được.

Do không có chuyến bay thẳng nên để đá trận vòng 3, HAGL phải bay vào TP.HCM rồi mới ngược ra Nghệ An. Sau thất bại là hành trình ngược lại và từ Buôn Mê Thuột đi ô tô phải gần nửa đêm mới về đến bản doanh Hàm Rồng. Trong khi đó, HLV Kiatisak vẫn phải cách ly, theo dõi Covid-19 tại Vinh, nhiều khả năng ngay cả có kết quả âm tính cũng không kịp trở về có mặt cùng đội để ra sân ở vòng 4 trên sân nhà vào chiều 11-3.

Càng khó hơn khi đối thủ của HAGL lượt này lại là CLB Viettel. Mùa trước, ở vòng 5, HAGL từng gây bất ngờ lớn, thắng tưng bừng nhà ĐKVĐ 3-0 ngay tại sân Hàng Đẫy, nhưng sau đó Viettel đeo bám rất sát và trước khi giải dừng lại chỉ kém đúng 1 trận thắng. Trước tình hình sớm “dầu sôi lửa bỏng”, 1 ngày trước trận đấu, “bầu” Đức dự kiến sẽ có cuộc gặp mặt đội bóng để giải tỏa sức ép tâm lý cho cầu thủ lẫn Ban huấn luyện.

Minh Chung

Tin xem nhiều