Báo Đồng Nai điện tử
En

SEA Games 31, Hà Nội 2021: Vĩ thanh lịch sử!

08:05, 24/05/2022

Sau 17 ngày tranh tài cực kỳ sôi động, đêm 23-5, chủ nhà Việt Nam đã nói lời "giã bạn", khép lại một kỳ SEA Games (SG) đi vào lịch sử của thể thao Đông Nam Á.

Sau 17 ngày tranh tài cực kỳ sôi động, đêm 23-5, chủ nhà Việt Nam đã nói lời “giã bạn”, khép lại một kỳ SEA Games (SG) đi vào lịch sử của thể thao Đông Nam Á.

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, 5 HCV, phá 2 kỷ lục đại hội, một trong những VĐV xuất sắc nhất SEA Games 31
Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, 5 HCV, phá 2 kỷ lục đại hội, một trong những VĐV xuất sắc nhất SEA Games 31

* “Vô tiền khoáng hậu”

Jakarta 1997 là kỳ SG đầu tiên Đồng Nai cử phóng viên tác nghiệp. Ngày ấy, chúng tôi từng nói vui chỉ đứng lên chào cờ nước chủ nhà trong lễ trao huy chương (HC) đã… mỏi chân. Năm ấy, Indonesia đã giành tổng cộng 446 HC, trong đó có 194 HCV, hơn Thái Lan tới 111 HCV.

Kỷ lục ấy đã tồn tại suốt 12 kỳ đại hội và phải sau 25 năm mới bị chủ nhà Việt Nam xô đổ. 446 HC với cột mốc mới 205 HCV (cùng 125 HCB và 116 HCĐ), bỏ xa đoàn thứ nhì Thái Lan 113 HCV, xấp xỉ bằng số HCV của 3 quốc gia phía sau: Thái Lan, Indonesia, Philippines cộng lại, là một con số… “khủng khiếp”, vô tiền và có lẽ là cả khoáng hậu. Cần biết rằng, SG31 với 40 môn và 526 nội dung thi đấu không phải là kỳ đại hội có nhiều bộ HC nhất khi 3 năm trước Philippines tổ chức thi đấu tới 56 môn với 530 nội dung, hay Indonesia 2011 có 44 môn, 545 nội dung.

Có lẽ đây cũng là điều nằm ngoài dự đoán của những người làm thể thao Việt Nam khi số HCV hơn tới gấp rưỡi chỉ tiêu đề ra (140). Các VĐV chúng ta đã xuất sắc đứng đầu toàn đoàn ở 23 môn và phân môn gồm: điền kinh, vật, đua thuyền (rowing và canoeing), thể dục dụng cụ, thể hình, taekwondo, judo, karate, kurask, pencak silat, kick boxing, muay, xe đạp, bóng ném (trong nhà và bãi biển), cờ vua, cờ tướng, esport, lặn, vovinam và đặc biệt là bảo vệ thành công HCV bóng đá nam, nữ. Đó là kết quả vượt ngoài mong đợi trong bối cảnh gần 3 năm qua đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến kế hoạch tập huấn, thi đấu quốc tế của các đội tuyển, VĐV. Nói như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, mỗi tấm HC đều mang những câu chuyện riêng của sự hy sinh, vượt khó, nghị lực và có giá trị lan tỏa.

Sẽ có hoài nghi, với số HC “đại nhảy vọt” như thế (tăng 1,55 lần về tổng số HC và gấp 2,09 lần về HCV so với SG trước tại Philippines, kỳ đại hội được coi là thành công nhất bên ngoài lãnh thổ, còn so với kỳ SG đầu tiên đăng cai vào năm 2003 hơn 47 HCV), liệu nước chủ nhà có thực sự tổ chức công bằng, vô tư như đã cam kết?

Cho đến thời điểm này, khi SG31 đã khép lại, ngoài những than phiền về công tác hậu cần, di chuyển trong những ngày đầu mà nước chủ nhà nào cũng gặp phải, chưa có điều tiếng gì về sự thiên vị, thiếu trong sáng từ các đoàn, truyền thông quốc tế. Hơn nữa, trực tiếp điều hành thi đấu tại đại hội là các giám sát, trọng tài của Liên đoàn châu Á các bộ môn. Nếu có chăng là bên cạnh việc nỗ lực tổ chức đầy đủ các môn có trong trình thi đấu của Olympic, Asiad được các nước ghi nhận, ủng hộ, chúng ta đưa “hơi bị nhiều” nội dung ở các môn thế mạnh của mình như: wushu có tới 21 bộ HC (Việt Nam lấy phân nửa HCV), lặn: 13 (thâu tóm 10 HCV) hay vovinam: 15 (“giữ mối” chỉ lấy 6 HCV)…

Một kỳ SG vĩ thanh của nước chủ nhà Việt Nam nhưng không chỉ dừng lại ở thành tích chuyên môn.

Nếu ở kỳ SEAP Games đầu tiên, Bangkok, Thái Lan 1959, nước chủ nhà đứng nhất toàn đoàn trên 6 quốc gia tham dự với chỉ 35 HCV thì con số này không ngừng nhảy vọt.

Trong lịch sử 23 kỳ đại hội kể từ khi bước sang kỷ nguyên SEA Games, từng có 6 lần nước chủ nhà giành được trên 150 HCV. Đó là Thái Lan 1995: 157 HCV, Indonesia 1997: 194 HCV, Indonesia 2011: 182 HCV, Thái Lan 2007: 183 HCV, Việt Nam 2003: 158 HCV. Nhưng tất cả đều bị bỏ lại với kỷ lục mới 205 HCV của chủ nhà SG31. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn kém Thái Lan 2 HCV về khoảng cách với đoàn thứ nhì; tại SG24 Nakhon Ratchasima 2007, nước chủ nhà bỏ xa Malaysia tới 115 HCV.

Minh Chung

Tin xem nhiều