446 huy chương, trong đó có 205 HCV là kỷ lục cao nhất từ trước đến nay mà một quốc gia giành được tại một kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á (ĐNA). Nhưng thành công của nước chủ nhà SEA Games (SG) 31 không chỉ ở thành tích chuyên môn mà còn ở tấm "huy chương" được bạn bè trao cho.
446 huy chương, trong đó có 205 HCV là kỷ lục cao nhất từ trước đến nay mà một quốc gia giành được tại một kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á (ĐNA). Nhưng thành công của nước chủ nhà SEA Games (SG) 31 không chỉ ở thành tích chuyên môn mà còn ở tấm “huy chương” được bạn bè trao cho.
* Như chưa từng có dịch Covid-19
Vì đại dịch Covid-19, SG31 tại Việt Nam diễn ra muộn hơn dự kiến nửa năm, thậm chí có lúc tưởng đã không thể tổ chức. Một tháng trước ngày khai mạc, những phương án phòng, chống dịch Covid-19 vẫn đặt ra ở mức cao nhất, vẫn chưa biết có đón người xem hay không, ở mức độ nào? Thế nhưng, như một phép màu, 17 ngày tranh tài của Đại hội diễn ra như chưa từng có Covid-19; các SVĐ, nhà thi đấu của 12 tỉnh, thành từ Hà Nội đến Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Hòa Bình, Nam Định, Ninh Bình, Phú Thọ, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc luôn chật kín, quá tải khán giả.
Một cơn sốt hâm mộ thể thao lên đến đỉnh điểm trong bối cảnh nguy cơ dịch bệnh vẫn tiềm ẩn, khiến truyền thông quốc và bạn bè trong khu vực từ ngỡ ngàng đến thán phục khi so sánh với Olympic Tokyo diễn ra 9 tháng trước đó. Chính sự ủng hộ cuồng nhiệt của CĐV nhà cùng những khán đài dậy sóng giúp thể thao Việt Nam có một kỳ SG đi vào lịch sử.
Và thật trọn vẹn, người dân phía Nam dù không được dự khán trực tiếp cũng không ngoài cuộc, tấm HCV cuối cùng ở môn bóng đá nam đã cuốn cả nước xuống đường cùng trọn niềm vui. Không chỉ vậy, những thanh âm cổ vũ vô tư “Thái Lan, Indonesia…” gầm vang ở sân Thiên Trường còn là nguồn cảm hứng thi đấu cho các đội bạn. Và tất cả, trước khi ra về đều gửi lại lời cảm ơn, ngưỡng mộ rất thật tình.
Không khí SG hừng hực sức sống chưa từng có này có thể được lý giải bởi sự giải tỏa tâm lý sau hơn 2 năm kìm nén, phải hạn chế tiếp xúc, sinh hoạt, tụ tập của người dân; nhưng sâu xa hơn là tình yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc có dịp bộc lộ, hòa làm một với sự đam mê thể thao.
* “Bàn thắng vàng” kích cầu
Với SG31 tại 12 địa phương, sau hơn 2 năm, các khách sạn, điểm du lịch, quán xá, cửa hàng lưu niệm lại tấp nập, nhộn nhịp. Bầu không khí sôi động tuyệt vời từ nguồn cảm hứng của hàng triệu lượt khán giả mang tới cho SG31 tại Việt Nam đã được cả thế giới chứng kiến. Với một sự kiện tập trung đón cùng lúc đến 10 ngàn khách quốc tế (gần 5.500 VĐV); không cần áp dụng những biện pháp xét nghiệm, cách ly “bong bóng khép kín” quá khe khắt và tất cả các địa điểm thi đấu đều mở cửa hoàn toàn mà vẫn an toàn, không xuất hiện ổ dịch nào; là minh chứng hùng hồn Việt Nam đã khống chế và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 hiệu quả. Cũng như rất nhiều đoàn hẹn sẽ trở lại để thăm thú, những hình ảnh không cần thuyết minh này là lời mời gọi thuyết phục nhất du khách quốc tế về một Việt Nam tươi đẹp, thân thiện và điểm đến an toàn.
Diễn tiến thi đấu bình thường cùng hiệu quả kích cầu rõ rệt mang lại từ SG31 cũng giúp các ngành hữu quan mạnh dạn, quyết đoán hơn trong việc mở cửa du lịch quốc tế, đón kiều bào trở về thăm quê hương. Do đó, bên cạnh 446 HC vàng, bạc, đồng, tấm HC quan trọng và ý nghĩa nhất mà SG31 mang lại là chính thức mở ra cơ hội phục hồi sự tăng trưởng kinh tế - xã hội sau đại dịch.
“Dịch bệnh Covid-19 buộc chúng ta phải lùi thời gian tổ chức SG31 từ tháng 11-2021 sang tháng 5-2022. Tuy nhiên, điều đó càng làm cho chúng ta tiến lại gần nhau hơn, đoàn kết hơn, nỗ lực hơn, quyết tâm hơn, hành động quyết liệt hơn, vượt lên tất cả khó khăn, thách thức… Các địa điểm thi đấu đều đầy ắp khán giả, mà cao trào là sự cuồng nhiệt, hết mình của hơn 40 ngàn CĐV cổ vũ cho trận chung kết bóng đá nam. Điều đó như thông điệp của Việt Nam và các nước ĐNA gửi đến thế giới là chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh và cuộc sống an toàn đã dần trở lại bình thường” - Thủ tướng Chính phủ PHẠM MINH CHÍNH phát biểu bế mạc SEA Games 31. |
Đông Kha