Báo Đồng Nai điện tử
En

Sức hút thương hiệu nhìn từ Viettel và HAGL

05:06, 27/06/2022

Nếu HAGL phải "xuống núi" chọn sân Thống Nhất làm sân nhà ở vòng bảng AFC Champions League vì Pleiku không có sân bay quốc tế, thì khá ngạc nhiên khi CLB Viettel cũng rời đại bản doanh ở thủ đô để chọn TP.HCM đăng cai vòng bảng AFC Cup.

Nếu HAGL phải “xuống núi” chọn sân Thống Nhất làm sân nhà ở vòng bảng AFC Champions League vì Pleiku không có sân bay quốc tế, thì khá ngạc nhiên khi CLB Viettel cũng rời đại bản doanh ở thủ đô để chọn TP.HCM đăng cai vòng bảng AFC Cup. Phải chăng nhà ĐKVĐ V.League muốn đo độ “phủ sóng” thương hiệu và tình yêu của người hâm mộ phía Nam dành cho mình?

Khu vực CĐV của “cơn lốc đỏ” chủ nhà vắng như “chùa bà đanh”
Khu vực CĐV của “cơn lốc đỏ” chủ nhà vắng như “chùa bà đanh”

Nếu thế câu trả lời là: theo thống kê đến số lẻ từ BTC, trận ra quân của Viettel với Phnom Penh Crown vào tối 24-6 chỉ có 1.135 khán giả đến sân Thống Nhất, còn ít hơn một trận đấu tại V.League của CLB TP.HCM và Sài Gòn.

Con số này nếu so với HAGL cũng đá AFC Champions League tại đây mới hơn 2 tháng trước là quá khiêm tốn. Cụ thể 6 trận đấu của Văn Toàn và đồng đội luôn đầy ắp khán giả, thu hút tổng cộng gần 50 ngàn lượt người xem đến sân, trung bình hơn 8.300 người/trận, đông nhất lại là trận cuối cùng dù HAGL đã bị loại, với 11.680 khán giả. Chính sự cổ vũ cuồng nhiệt của người Sài Gòn và phương Nam đã giúp đội bóng phố núi giành chiến thắng danh dự trước đối thủ vượt trội của Australia Sydney FC.

Sẽ có ý kiến cho rằng, “những đứa trẻ “bầu” Đức” dù chưa một lần vô địch nhưng đã là “đội bóng quốc dân”, không thể so sánh. Có điều, nhìn lên khán đài B, dưới tấm bandroll khổng lồ “cơn lốc đỏ Viettel” người ta đếm được đúng 10 tay trống kèn và 2 CĐV áo đỏ, hẳn những người yêu đội bóng này không khỏi chạnh lòng. Thực tế, tiếng là “hậu duệ Thể Công” nhưng số khán giả những trận trên sân nhà Hàng Đẫy cũng như lượng CĐV của Viettel ở phía Bắc cũng rất khiêm tốn.

Sức hút của một đội bóng trước hết đến từ các ngôi sao. Không còn Quế Ngọc Hải, Trọng Hoàng (trở về SLNA), trung vệ, đội trưởng Bùi Tiến Dũng dưỡng thương dài hạn, thủ môn Nguyên Mạnh cũng làm khán giả ở vòng bảng, Viettel còn ai đáng xem: duy nhất Quả bóng vàng Hoàng Đức (Thanh Bình, Nhâm Mạnh Dũng tiến bộ nhưng đẳng cấp chỉ ở tuyển U.23). Bộ 3 ngoại binh tấn công của Viettel: Geovene, Pedro Paulo, Caique rất chất lượng nhưng không thể trận nào cũng “gánh” cả dàn nội binh trung bình.

Kế đến là lối chơi. Viettel của HLV Trương Việt Hoàng đăng quang V.League 2020 bằng triết lý thắng tối thiểu, phòng ngự chắc chắn được đặt lên trên hết. Là đội bóng được coi là kế thừa cái tên Thể Công hào hùng, được mệnh danh “cơn lốc đỏ”, Viettel không thể chinh phục được con tim người yêu bóng đá và có lẽ cả lãnh đạo tập đoàn kinh tế thừa tiềm lực này cũng khó thể hài lòng. Việc HLV họ Trương - HLV có tài và nhất là trưởng thành trong màu áo Thể Công - ra đi, sẽ là bắt đầu cho sự thay đổi?

***

Trước đối thủ quá yếu và hồn nhiên Young Elephants của Lào dù thắng đậm 5-1 nhưng cũng đã lộ ra nhiều vấn đề của Viettel. Đối thủ 17 giờ hôm nay 28-6, nhà đương kim và 7 lần vô địch Campuchia Phnom Penh Crown là liều thuốc thử mạnh hơn với thầy trò HLV Bae Ji-won khi trận ra quân đã dẫn trước Hougang  United của Singapore 2-0 chỉ sau 19 phút, nhưng lại thua ngược 3-4, trong đó có bàn đá phản lưới nhà.

Ngoài sở hữu nhiều tuyển thủ quốc gia như: Lim Pisoth, Choun Chanchav, Orn Chanpolin, Yue Safy; đội bóng xứ chùa Tháp còn có đến 5 ngoại binh gồm: trung vệ Yudai Ogawa, tiền vệ Takaki Ose (Nhật Bản); tiền đạo Nieto (Colombia), Gryshyn (Ukraine) và tân binh chưa ra sân Fareed Sadat (từng khoác áo U.19 Phần Lan và tuyển Afghanistan).

Tuy nhiên, việc vượt qua vòng bảng với chỉ 3 trận đấu là yêu cầu gần như bắt buộc với đại diện V.League, vấn đề là Viettel sẽ tiến sâu đến đâu để tăng sức hút trong nước và thương hiệu quốc tế, có được như đội bóng cùng thủ đô CLB Hà Nội vào đến chung kết liên khu vực AFC Cup 2019?

Đông Kha

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích