Báo Đồng Nai điện tử
En

Tái hiện kỳ tích Giang Tô?

09:06, 11/06/2022

4 năm trước, tại Giang Tô (Trung Quốc), đội tuyển U.23 Việt Nam đã tạo nên cơn địa chấn khi loại nhà vô địch U.23 châu Á đầu tiên Iraq sau trận tứ kết "không thể tin nổi"!

4 năm trước, tại Giang Tô (Trung Quốc), đội tuyển U.23 Việt Nam đã tạo nên cơn địa chấn khi loại nhà vô địch U.23 châu Á đầu tiên Iraq sau trận tứ kết “không thể tin nổi”!

Tái hiện trận tứ kết trước Iraq 4 năm trước?
Tái hiện trận tứ kết trước Iraq 4 năm trước?

Trong hơn 2 giờ, người xem đã trải qua mọi cung bậc tột độ của cảm xúc. Từ sung sướng, ngỡ ngàng khi Công Phượng có bàn mở tỷ số đến giận dữ với quả phạt đền cay nghiệt, rồi thở dài khi đội bạn dẫn ngược ở phút thứ 4 của hiệp phụ. Lại như người chết đi sống lại khi Phan Văn Đức mang về chiếc phao cứu sinh và bùng nổ với cú đánh đầu của Hà Đức Chinh ở phút 112. Chiến thắng những tưởng đã trong tay nhưng tất cả bỗng như từ thiên đường bị kéo tuột xuống hạ giới khi đội bạn lại gỡ hòa 3-3 ở phút 116. Bước vào loạt đấu cân não trên chấm 11m, sự căng thẳng được đẩy lên cực độ, để rồi như một hỏa diệm sơn đồng loạt bùng nổ trên khắp dải đất hình chữ S khi trung vệ Bùi Tiến Dũng đá quả cuối cùng và mành lưới Iraq rung lên.

Đó là bắt đầu cho câu chuyện cổ tích được viết trên đất Trung Quốc với thêm 2 trận bán kết và chung kết nghẹt thở ở Thường Châu tuyết trắng.

4 năm sau, 23 giờ chủ nhật 12-6, cũng ở trận tứ kết cuối cùng, đối thủ Tây Á đương kim á quân Saudi Arabia cũng là ứng viên vô địch, cũng dẫn đầu vòng bảng với 7 điểm, thậm chí là đội duy nhất vẫn nguyên vẹn mành lưới và hàng công với 7 bàn, sắc bén thứ 2 giải (chỉ sau chủ nhà Uzbekistan có 8 bàn).

Tuy nhiên, vị thế của U.23 Việt Nam cũng đã khác. Ngoài chức á quân lịch sử 2018 ấy, U.23 vừa trở thành đại diện Đông Nam Á đầu tiên không chỉ bất bại mà có chiến thắng ở vòng bảng để giành điểm số cao nhất 5 điểm. Với 5 bàn thắng do 5 cầu thủ lập công, U.23 Việt Nam đang sánh ngang với Nhật Bản, Iraq, hơn cả Australia (3 trận vòng bảng 2018 chỉ có 2 bàn và đều thuộc về Quang Hải). Đặc biệt, một HLV có triết lý dụng binh và lối chơi hoàn toàn khác, rất khó đoán.

Cũng là một người Hàn Quốc nhưng trẻ hơn ông Park Hang-seo đến 17 tuổi và vốn là một tiền đạo, tân HLV Gong Oh-kyun có sự linh hoạt, táo bạo hơn trong cách tiếp cận trận đấu, sắp xếp đội hình, điều chỉnh chiến thuật. Không nên so sánh và còn quá sớm để đánh giá, nhưng rõ ràng tại Uzbekistan, với tư tưởng chơi bóng mới, U.23 Việt Nam đã lột xác hoàn toàn so với vòng loại và Dubai Cup, thậm chí là trưởng thành vượt bậc so với SEA Games vừa đăng quang mới tháng trước.

Trước nhà ĐKVĐ Hàn Quốc, những Tiến Long, Tuấn Tài, Mạnh Dũng, Việt Anh, Thanh Bình, Văn Chuẩn… đã chứng minh “không biết sợ là gì”, thậm chí HLV Gong còn “xin lỗi vì không thắng”; vậy á quân Saudi Arabia có gì phải ngại?

Thể hình và nền tảng thể lực dồi dào nhưng thế mạnh đặc trưng của các cầu thủ Saudi Arabia là phẩm chất kỹ thuật, sự nhanh nhẹn. Cũng như ĐTQG tại vòng loại thứ 3 World Cup 2022 (thắng Việt Nam 3-1 và 1-0), U.23 Saudi Arabia thiên về phối hợp bóng sệt mềm mại, uyển chuyển, triển khai bóng rộng khắp mặt sân; nhưng khi cần vẫn pressing tầm cao, tổ chức phản công nhanh.

Các học trò của HLV Alshehri có nhiều phương án tấn công với sự hoán đổi liên tục giữa các vị trí. Ngoài trung phong Radif (19) lanh lẹ trong xoay trở và có khả năng ra chân rất nhanh trong không gian hẹp, hàng phòng ngự U.23 Việt Nam cần cảnh giác với những pha băng vào trung lộ từ bên cánh trái của số 17 Asari và tiền vệ Yahya (7). Tuy nhiên, ở tứ kết, Saudi Arabia sẽ mất 2 cầu thủ quan trọng là trung vệ Abdulhamid và tiền vệ Mahnashi.

Sau chiến thắng 2-0 trước UAE, HLV Alshehri phát biểu: “Tôi không biết gì về U.23 Việt Nam. Nhưng chúng tôi sẽ nghiên cứu và biết tất cả”. Sau 2 lần vào chung kết đều thất bại, sự tự tin có phần chủ quan này có thể khiến U.23 Saudi Arabia lại phải trả giá.

Đông Kha - Phương Duy

Tin xem nhiều