Báo Đồng Nai điện tử
En

V.League có một không hai

07:04, 03/04/2023

Không có Giải vô địch quốc gia (VĐQG) nào như V.League. Hối hả đá "dồn toa" 4 vòng đầu tiên chỉ trong vòng 16 ngày, vừa nóng lên lại "nghỉ"… 40 ngày, cuối tuần này mới trở lại. Nguyên nhân là để phục vụ cho đội tuyển... U.20 và U.22 (đá giải giao hữu). Đó là "đặc thù" của bóng đá Việt Nam.

Không có Giải vô địch quốc gia (VĐQG) nào như V.League. Hối hả đá “dồn toa” 4 vòng đầu tiên chỉ trong vòng 16 ngày, vừa nóng lên lại “nghỉ”… 40 ngày, cuối tuần này mới trở lại. Nguyên nhân là để phục vụ cho đội tuyển... U.20 và U.22 (đá giải giao hữu). Đó là “đặc thù” của bóng đá Việt Nam.

Sau 40 ngày các ngôi sao hào hứng trở lại nhưng rồi sẽ lại “nghỉ” 1 tháng
Sau 40 ngày các ngôi sao hào hứng trở lại nhưng rồi sẽ lại “nghỉ” 1 tháng

* Ai lợi, ai thiệt?

Trên lý thuyết hẳn nhiên có lợi là những CLB có bước xuất phát không tốt, đặc biệt 3 đội chót bảng: SHB.Đà Nẵng, B.Bình Dương, TP.HCM hay SLNA, HAGL vẫn chưa biết thắng. Ngay cả đại gia mới CAHN với dàn “binh hùng tướng mạnh” cũng không thể mừng hơn sau chặng tourmalet chỉ duy nhất có trận thắng trong ngày ra quân.

Không chỉ vậy, không CLB nào trong tốp 5 có sự khởi đầu hoàn hảo toàn thắng. Dù có 3 trận thắng liên tiếp sau thảm bại trước CAHN nhưng đội đầu bảng Bình Định còn rất nhiều việc phải làm. 2 trận hòa trước Viettel và Thanh Hóa cho thấy ĐKVĐ Hà Nội và tân HLV Bandovic cần có thêm thời gian. Nam Định phải làm quen với tư thế nhà giàu mới cùng Thép Xanh sau quá nhiều năm phải “thắt lưng buộc bụng”. Viettel phải xóa tan hoài nghi về tham vọng. Nếu có tiếc chăng chỉ là Thanh Hóa đang bất ngờ vào “phom”.

Quãng nghỉ là cơ hội để các CLB làm lại nền tảng thể lực; củng cố, hoàn thiện đội hình; thay đổi, cải thiện lối chơi. Các HLV lần đầu tiên cầm quân ở V.League: Bandovic (Hà Nội), Foiani (CAHN), Popov (Thanh Hóa), Thạch Bảo Khanh (Viettel); cũng như các cầu thủ tân binh - cả nội lẫn ngoại, có thêm thời gian làm việc, hòa nhập, gắn kết cùng các học trò, đồng đội mới. Thậm chí, với B.Bình Dương còn giúp “thay tướng” để “đổi vận”.

Tuy nhiên “lợi bất cập hại”, 1,5 tháng gián đoạn là quá dài, thực tế không đội nào mong muốn. Bởi rất khó cho những tính toán của CLB về tài chính, hậu cần và cả vấn đề chuyên môn. Chính vì thế, hầu hết các đội đều chỉ dám cho quân “xả trại” 1 tuần là tập trung “tập chay” trở lại. Quãng nghỉ dài nhưng không giúp các CLB củng cố về lực lượng khi thời hạn đăng ký nhân sự đã xong.

Ở đây cần nói thêm, VPF và BTC đã biết trước kế hoạch, lịch trình, lại ấn định thời gian chốt sổ thay đổi, bổ sung ngoại binh giai đoạn 1 là trước vòng 3. Sao không là vòng 5, các CLB sẽ có thêm gần 2 tháng để tìm kiếm, tuyển chọn những “món hàng” chất lượng hơn?

* Chưa dừng lại

V.League trở lại nhưng lại chỉ đá vội vàng thêm 3 lượt trong vòng 11 ngày của tháng 4 (từ ngày 6 đến 17-4) rồi tiếp tục “bất động” suốt 1 tháng, cho đến ngày 19-5 mới là vòng 8. Lý do: U.22 Việt Nam tham dự SEA Games 32.

Việc chia nhỏ giai đoạn, sự tập trung của cầu thủ bị ngắt quãng liên tục, các đội phải chuẩn bị lại từ đầu trong khâu làm thể lực, chọn điểm rơi. HLV Chu Đình Nghiêm của Hải Phòng than trời: “Giải đấu bị cắt vụn quá nhiều, cầu thủ vừa bắt nhịp thì nghỉ. HLV phải xây dựng lại kế hoạch, cầu thủ mất thời gian tìm lại phong độ”.

Không chỉ vậy, theo HLV Nguyễn Thành Công của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh: “2 quãng nghỉ dài thực sự bất cập, gây ảnh hưởng lớn đến tất cả mọi khía cạnh của CLB như kế hoạch thi đấu, tài chính…”. Còn HLV Bozidar Bandovic, tân thuyền trưởng CLB Hà Nội, người có 6 năm làm việc ở Thai League với 2 chức vô địch cùng CLB Burinam United, thì phải thốt lên vì ngạc nhiên: “Tôi chưa từng thấy giải đấu nào có 2 quãng nghỉ dài như thế này”!

Vẫn biết đóng góp, ưu tiên thành tích cho các đội tuyển quốc gia là vinh dự và trách nhiệm của các CLB. Nhưng ở mọi nền bóng đá, CLB có sống khỏe, giải VĐQG có chuyên nghiệp, chất lượng thì đội tuyển mới mạnh. Cả 14 CLB hàng đầu với chi phí hoạt động hơn trăm tỷ đồng/mùa, phải chịu cảnh “đóng băng” vì đội tuyển quốc gia đã đành, lại thêm phải “phục vụ” cho đội U.20 mà hầu hết cầu thủ còn chưa có chỗ đứng ở V.League, thì rất không nên.

Nhưng như đã nói, đây là “đặc thù” của bóng đá Việt Nam, hy vọng từ mùa giải 2023-2024 khi V.League chính thức chuyển sang thực hiện lịch đấu vắt sang 2 năm như bóng đá châu Âu, tình trạng “không giống ai” này sẽ không còn lặp lại.

Đông Kha

Tin xem nhiều