18 giờ hôm nay 5-5, Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 32 chính thức khai mạc trên sân vận động quốc gia Campuchia Morodok Techno.
18 giờ hôm nay 5-5, Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 32 chính thức khai mạc trên sân vận động quốc gia Campuchia Morodok Techno.
Quốc kỳ Việt Nam tung bay trong lễ thượng cờ SEA Games 32 |
* Lần đầu sau 64 năm
Lẽ ra là nước chủ nhà thứ 3 tại SEAP Games (tên gọi tiền thân của đại hội) 1963, sau Thái Lan và Myanmar (ngày ấy còn mang tên Burma), nhưng vì nội tình đất nước nên phải chờ đến 64 năm Campuchia mới lần đầu tiên (và là quốc gia cuối cùng trong khối ASEAN) đón chào ngày hội thể thao khu vực. Chính vì thế, Campuchia quyết tổ chức một kỳ SEA Games ấn tượng nhất từ trước tới nay.
Với khẩu hiệu “Sports: Live in peace” (Thể thao: Sống trong hòa bình), SEA Games 32 diễn ra từ ngày 5 đến 17-5 tại 5 địa điểm: Phnom Penh, Siem Reap, Preah Sihanouk, Kep và Kampot, với 48 môn, 608 nội dung thi đấu, là đại hội có quy mô lớn nhất. Nước chủ nhà đã đầu tư 131 triệu USD (hơn 3 ngàn tỷ đồng) cho kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, công tác tổ chức và thêm 7 triệu USD cho quyết định chưa có tiền lệ: miễn phí toàn bộ tiền ăn, ở, di chuyển cho 11 đoàn tham dự.
Với niềm tự hào Khmer, Campuchia còn quyết tâm tổ chức một kỳ SEA Games thân thiện, văn hóa, hiếu khách, dành những gì tốt nhất cho các vị khách. Làng VĐV WorldBridge Sport Village, vốn là khu căn hộ chung cư cao cấp được trưng dụng cho SEA Games trước khi mở bán, được mở toang cửa. Ghi nhận ban đầu, từ sân bay cho đến trên đường phố, các địa điểm thi đấu, đâu đâu các đoàn đều được sự tiếp đón chu đáo, trọng thị, với sự giúp đỡ cùa 10 ngàn tình nguyện viên. Thủ tướng Hun Sen thậm chí còn tuyên bố sẵn sàng cho… xe tăng hộ tống các đoàn đến địa điểm thi đấu nếu tắc đường (!).
Cùng với việc phát vé miễn phí, mở cửa tự do các địa điểm thi đấu, những màn hình lớn, bảng quảng cáo điện tử ở thủ đô Phnom Penh cũng như các tỉnh, thành liên tục phát tường thuật các cuộc thi đấu. Chưa bao giờ không khí bóng đá, thể thao ở xứ sở Chùa Tháp lại rộn ràng, sôi động đến thế. Hàng vạn người đã tập trung ở công viên Wat Botum, cùng reo hò, tiếc nuối với trận U.22 chủ nhà hòa Philippines. Nếu ở Hà Nội, Sài Gòn là không lạ nhưng với người dân Campuchia đây là điều chưa từng có.
* Hứa hẹn chơi đẹp
Cũng như bất kỳ chủ nhà nào, với lần đầu tiên đăng cai, Campuchia mong nuốn có một kỳ SEA Games thành công nhất trong lịch sử về mặt thành tích (thành tích cao nhất là 9 HCV tại SEA Games 31 ở Hà Nội vào năm ngoái).
Gặp gỡ các HLV và VĐV, người đứng đầu Chính phủ Campuchia bày tỏ mong muốn họ phải giành nhiều HCV hơn nhưng đồng thời nhấn mạnh: chỉ những chiến thắng chính đáng mới mang lại vinh quang cho Vương quốc. “Một huy chương do chơi xấu hoặc không tuân theo các quy tắc sẽ chỉ mang lại sự xấu hổ và ô nhục, và không nên được tính là một chiến thắng. Tất cả các bạn phải nhớ rằng, mọi màn trình diễn giành HCV đều phải chính đáng. Chúng ta là nước chủ nhà, cần phải tôn trọng các khách mời. Trong thi đấu cạnh tranh, dù thắng hay thua bạn phải coi đối thủ của mình như những người bạn, vì thể thao là để xây dựng tình bạn và ngoại giao” - Thủ tướng Hun Sen tuyên bố.
Cùng với cái oi ả mùa hè ở xứ Angkor, SEA Games 32 đã rất nóng. Là đất nước có lịch sử, nền văn minh, văn hóa phong phú, lâu đời với kỳ quan Angkor Wat, di tích tôn giáo lớn nhất thế giới được xây dựng từ đầu thế kỷ XII, lễ khai mạc Cambodia 2023 tối nay hứa hẹn sẽ là một “đại tiệc” của thanh âm, sắc màu mang đậm bản sắc dân tộc Khmer.
Dù mọi chi tiết vẫn được giấu kín nhưng chủ nhà Campuchia tuyên bố sẽ mang tới một lễ khai mạc vượt tầm khu vực, hướng tới đẳng cấp Olympic. Tham gia trình diễn tại lễ khai mạc có khoảng 1 ngàn nghệ sĩ, cùng 2 ngàn VĐV và quân nhân. 3 ca khúc mang tên “Welcome Cambodia” (Chào mừng đến với Campuchia), “This is our time” (Thời đại của chúng ta) và “Cambodia is our home” (Campuchia là nhà của chúng tôi) sẽ được cất lên ở đêm Opening.
Yên Chi (từ Campuchia)