Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhìn lại kỳ SEA Games lịch sử của thể thao Việt Nam: Từ khu vực đến châu lục vẫn quá xa

07:05, 24/05/2023

Sáng qua 23-5, tại Văn phòng Chủ tịch nước đã diễn ra lễ tuyên dương đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) đứng đầu SEA Games 32. Cùng lúc, các VĐV trọng điểm như: Nguyễn Thị Oanh (điền kinh) bắt đầu bước vào guồng quay mới; Huy Hoàng, Thanh Bảo, Hưng Nguyên (bơi lội) quay trở lại Hungary tập huấn…

Sáng qua 23-5, tại Văn phòng Chủ tịch nước đã diễn ra lễ tuyên dương đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) đứng đầu SEA Games 32. Cùng lúc, các VĐV trọng điểm như: Nguyễn Thị Oanh (điền kinh) bắt đầu bước vào guồng quay mới; Huy Hoàng, Thanh Bảo, Hưng Nguyên (bơi lội) quay trở lại Hungary tập huấn…

Nguyễn Thị Oanh, “cô gái vàng” của thể thao Việt Nam vô đối ở SEA Games nhưng chỉ là “đồng” ở Asiad
Nguyễn Thị Oanh, “cô gái vàng” của thể thao Việt Nam vô đối ở SEA Games nhưng chỉ là “đồng” ở Asiad

Bởi, chỉ tròn 4 tháng nữa sẽ là Asiad 19 tại Hàng Châu, Trung Quốc (lẽ ra diễn ra vào tháng 9-2022 nhưng do Covid-19 nên hoãn 1 năm).

2 đại hội liên tiếp và lần đầu tiên trong lịch sử đứng đầu Đông Nam Á tại một kỳ SEA Games bên ngoài lãnh thổ với 136 HCV, nhưng ở Asian Games, TTVN chỉ đặt mục tiêu khiêm tốn: phấn đấu có từ 3-5 HCV. Sự chênh lệch nghe qua tưởng như phi lý nhưng đó là thực tế.

Tại Á vận hội gần nhất Jakarta-Palembang (Indonesia) năm 2018, kỳ Asiad tham dự với lực lượng hùng hậu nhất (352 VĐV) và cũng thành công nhất trong lịch sử, TTVN giành tổng cộng 39 huy chương (HC) gồm: 5 HCV, 15 HCB, 19 HCĐ; đứng thứ 16/37 đoàn có HC.

Trong 5 HCV, có đến 3 thuộc về 2 môn Olympic là đua thuyền rowing và điền kinh (nhảy xa Bùi Thị Thu Thảo và 400m rào nữ của Quách Thị Lan do VĐV Qatar gốc Nigeria bị tước HCV vì doping). Có 13/33 đội tuyển giành HC, trong đó dẫn đầu là pencak silat với 2 HCV, 7 HCB, 3 HCĐ. Điền kinh không chỉ có HC Asiad đầu tiên, HCV đầu tiên mà còn là đội tuyển giàu thành tích thứ nhì khi mang về đủ bộ huy chương vàng, bạc, đồng. Đặc biệt, gây nức lòng là đội tuyển bóng đá Olympic nam lần đầu tiên vào bán kết.

Tuy nhiên, với thành tích ấy, ở Đông Nam Á, TTVN vẫn chỉ đứng thứ 4, sau chủ nhà Indonesia (31 HCV), Thái Lan (11 HCV) và Malaysia (7 HCV).

Asiad 19 sau 1 năm bị hoãn vì dịch bệnh, được dự báo còn khó khăn hơn. Về khách quan, Indonesia không còn là chủ nhà nên pencak silat cũng không còn tại Hàng Châu. Quách Thị Lan dính doping bị tước HCV ở SEA Games 31 sẽ không tham dự Asiad. Khả năng bảo vệ HCV của Bùi Thị Thu Thảo, rowing gặp thách thức lớn. Bắn súng, bơi, xe đạp, quyền anh, cử tạ, cờ vua, cờ tướng… có khả năng tranh chấp huy chương, nhưng HCV là chuyện khác.

Hãy lấy SEA Games làm thước đo, dù vừa có 2 kỳ đại hội liên tiếp đại thành công nhưng trên đất Campuchia vừa qua, nhóm môn Olympic chỉ mang về gần 50% HCV, thấp xa so với kỳ vọng phải trên 80%. Nhiều môn cơ bản trong chương trình thi đấu Asian Games Việt Nam đã khẳng định được trình độ đứng đầu khu vực như: điền kinh, vật, thể dục dụng cụ, judo, karate, taekwondo, đấu kiếm, cử tạ, wushu…; nhưng “ở nhà nhất mẹ nhì con, ra đường lắm kẻ còn giòn hơn ta”. Chúng ta phá 12 kỷ lục, thiết lập 4 kỷ lục SEA Games mới, nhưng không kể 10 kỷ lục trong môn lặn, thành tích vẫn còn khoảng cách tương đối xa so với châu lục. Chẳng hạn 2 kỷ lục của kình ngư Phạm Thanh Bảo ở nội dung bơi 100m và 200m ếch (1’00”97 và 2’11”45) là rất ấn ượng, nhưng vẫn kém khá xa cả chuẩn Olympic.

Do đó, trong 136 HCV của TTVN tại Campuchia, đến lúc này chỉ có thể khẳng định 2 niềm hy vọng vàng lớn nhất tại Asiad 19 là tay bơi Nguyễn Huy Hoàng và chân chạy Nguyễn Thị Oanh. Là đương kim HCĐ và thành tích 15’11”24 của Huy Hoàng ở cự ly 1.500m tự do nam đã tiệm cận với tốp 3 Asiad 2018. Còn “cô gái vàng” của TTVN tại SEA Games 32 Nguyễn Thị Oanh với 4 HCV, tại Hàng Châu sẽ chỉ dự tranh 2 nội dung sở trường 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại; trong đó, nếu thi đấu đúng phong độ có khả năng đổi màu tấm HCĐ 3.000m vượt chướng ngại. Tương tự là đội tiếp sức 4X400m nữ…

Từ 15-20 năm trước và sắp tới, trong chiến lược của TTVN đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, SEA Games vẫn được xác định là trọng tâm, nhưng Asiad và Olympic mới là đích đến. Nhưng để nhanh chóng thu ngắn khoảng cách diệu vợi từ khu vực ra châu lục, giữa “tầm nhìn” và bước đi, cách làm cụ thể, TTVN phải đầu tư nhiều hơn những “con đường cao tốc”.

Trần Đỗ - Yên Chi

Tin xem nhiều