Xác định khoa học công nghệ (KH-CN) là một trong những lĩnh vực then chốt để phát triển kinh tế, xã hội, thời gian qua, Đồng Nai đã có nhiều biện pháp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng thành quả KH-CN vào sản xuất và đời sống.
Xác định khoa học công nghệ (KH-CN) là một trong những lĩnh vực then chốt để phát triển kinh tế, xã hội, thời gian qua, Đồng Nai đã có nhiều biện pháp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, ứng dụng thành quả KH-CN vào sản xuất và đời sống.
Khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là một trong những giải pháp để nâng cao năng suất, chất lượng nền kinh tế. Ảnh: Đ.Lê |
Từ nay đến năm 2030 và giai đoạn tiếp theo, Đồng Nai sẽ tiếp tục phát huy, huy động mọi nguồn lực trong xã hội phát triển các lĩnh vực gắn liền tiến bộ KH-CN, phục vụ đắc lực cho sự phát triển chung của địa phương.
* Phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội
Sau 2,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), hoạt động triển khai nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ đã được quan tâm, đẩy mạnh. Sở KH-CN đã phối hợp với viện, các trường trong và ngoài tỉnh tổ chức hội nghị với các địa phương, các ngành để nắm bắt nhu cầu, qua đó đặt hàng cụ thể với các viện, trường hỗ trợ nghiên cứu những vấn đề của địa phương, của ngành. Đến nay đã tổng hợp đề xuất và tham mưu tổ chức hội đồng khoa học xét duyệt và trình UBND tỉnh phê duyệt danh mục với 93 nhiệm vụ thuộc 6 chương trình; Trong đó, số lượng nhiệm vụ về nông nghiệp chiếm tỷ lệ 35,48%, lĩnh vực kinh tế - xã hội nhân văn chiếm 27,96%
Lũy kế đến hết tháng 3-2023 trên địa bàn tỉnh đã có 2.357 đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu hàng hóa; 1012 văn bằng đã được cấp. Riêng từ 2021 đến nay có 34 đơn đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích của các doanh nghiệp được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận. Các sáng chế, giải pháp hữu ích bao gồm các công nghệ mới, tiên tiến trong lĩnh vực công nghệ, nông nghiệp được áp dụng tại các doanh nghiệp đã góp phần tiết kiệm năng lượng, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và bảo vệ môi trường.
Theo Giám Đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông, việc ứng dụng KH-CN đã mang lại những lợi ích lớn cho sự phát triển của các ngành kinh tế. Lĩnh vực nông nghiệp, năng suất giá trị sản lượng nông sản, thực phẩm được tăng cao, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động trong nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới tại Đồng Nai. Qua đó, mở rộng thị trường, tăng khả năng xuất khẩu thông qua việc chứng nhận VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn khác. Từng bước xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trên lĩnh vực công nghiệp và công nghệ, Đồng Nai đã triển khai các đề tài, dự án phục vụ cho công tác chọn lọc công nghệ, cải tiến công nghệ phù hợp với điều kiện tỉnh nhà, nhất là công nghệ chế biến, điều tra tình hình công nghệ của địa phương, tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao.
Trên lĩnh vực công nghệ thông tin, tỉnh đẩy mạnh áp dụng vào công tác quản lý nhà nước, điều hành các hoạt động theo hướng tích hợp các tiện ích thông minh. Bên cạnh đó, nỗ lực đưa công nghệ về vùng nông thôn, phục vụ nâng cao kiến thức người dân và góp phần phát triển hạ tầng công nghệ thông tin ở cơ sở....
* Xây dựng chiến lược phát triển mới
Thời gian tới, sự phát triển của KH-CN là một trong những yếu tố quyết định đến sự thành công của địa phương cũng như cả nước. Kế thừa và phát huy những thành quả đạt được, ngành KH-CN Đồng Nai đề ra định hướng phát triển tập trung vào một số vấn đề như đổi mới cơ chế quản lý và tổ chức hoạt động phù hợp với điều kiện của địa phương. Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính; chuyển đổi số quy trình quản lý, cơ sở dữ liệu các nguồn lực, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ KH-CN… Tái cơ cấu các chương trình, nhiệm vụ KH-CN theo chuỗi giá trị của sản phẩm, tạo giá trị gia tăng. Thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo. Xây dựng định hướng phát triển công nghệ, bản đồ công nghệ, lộ trình đổi mới công nghệ của một số lĩnh vực ưu tiên.
Hoạt động nghiên cứu, cải tiến sản phẩm tại Công ty TNHH Tân Seiko (TP.Biên Hòa) được doanh nghiệp thường xuyên thực hiện |
Theo Phó Giám đốc Sở KH-CN Huỳnh Minh Hậu, việc cải tiến năng suất của doanh nghiệp thông qua đổi mới sáng tạo sẽ góp phần tăng trưởng GDP của địa phương. Với đòi hỏi của thực tiễn, hy vọng sẽ có những mô hình kiểu mẫu sẽ được hình thành trong thời gian tới nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng, áp dụng và cải tiến thành công quy trình sản xuất. Do đó các chính sách hỗ trợ về KH-CN của Đồng Nai sẽ gắn liền với vai trò hỗ trợ đổi mới sáng tạo, cải tiến năng suất và chuyển giao công nghệ nhất là đối với các nhóm sản phẩm đặc thù, chủ lực của tỉnh.
Đồng Nai cũng sẽ phấn đấu hình thành hệ thống đổi mới sáng tạo gắn các chuỗi giá trị, cụm liên kết ngành, các hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo ở các vùng, địa phương có đủ các điều kiện cần thiết về nguồn nhân lực sáng tạo, các cơ sở giáo dục đào tạo, viện nghiên cứu, các cơ sở vật chất kỹ thuật gắn với lợi thế kinh tế của vùng, địa phương. Song song đó tập trung thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho KH-CN, đồng thời tháo gỡ các rào cản, hạn chế, nhằm tăng số lượng và quy mô của quỹ phát triển KH-CN của doanh nghiệp. Khuyến khích nhà trường, doanh nghiệp đào tạo nhân lực có trình độ và năng lực sáng tạo cao.
GS. TS Võ Thanh Thu, chủ nhiệm đề tài “Ứng dụng công nghệ 4.0 vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai” nhận định việc ứng dụng công nghệ 4.0 là xu hướng của toàn thế giới. Đồng Nai cần xây dựng chiến lược phát triển, ứng dụng công nghệ phù hợp, dựa trên tình hình thực tiễn hiện này, đồng thời mỗi địa phương, cơ quan trong tỉnh cũng phải có trách nhiệm chung. Đồng Nai nên đánh giá phân loại trình độ phát triển công nghệ 4.0 theo ngành, theo vùng để có những giải pháp cụ thể, đồng thời chủ động phối hợp với các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là TP.HCM để xây dựng chiến lược phù hợp.
Đào Lê