Báo Đồng Nai điện tử
En

Ai Cập: Phe đối lập cáo buộc nhiều vi phạm trong cuộc trưng cầu ý dân

11:12, 17/12/2012

Sau khi cuộc trưng cầu ý dân đợt một về dự thảo hiến pháp mới của Ai Cập được tiến hành ngày 15-12, phe đối lập cáo buộc có nhiều vi phạm trong cuộc bỏ phiếu này và kêu gọi biểu tình trên toàn quốc trước khi đợt hai cuộc trưng cầu được tiến hành.

Sau khi cuộc trưng cầu ý dân đợt một về dự thảo hiến pháp mới của Ai Cập được tiến hành ngày 15-12, phe đối lập cáo buộc có nhiều vi phạm trong cuộc bỏ phiếu này và kêu gọi biểu tình trên toàn quốc trước khi đợt hai cuộc trưng cầu được tiến hành.

Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 16-12, Giám đốc Viện nghiên cứu nhân quyền Cairô (CIHRS) Bahi El-Din Hassan cho rằng hàng loạt gian lận trong cuộc trưng cầu ý dân khiến “toàn bộ quá trình này trở nên vô hiệu". Theo ông Hassan, có nhiều “thẩm phán giả mạo” tham gia giám sát các hòm phiếu, ngoài ra một số thẩm phán đã đóng cửa các điểm bỏ phiếu sớm hơn thời gian quy định của Ủy ban Bầu cử tối cao (HEC).

Giới chức bầu cử Ai Cập kiểm phiếu tại Cairo ngày 15-12.
Giới chức bầu cử Ai Cập kiểm phiếu tại Cairo ngày 15-12.

[links(left)]Luật sư nhân quyền Negad El-Borai cho biết thành viên của các tổ chức xã hội dân sự đã bị ngăn cản vào phòng bỏ phiếu, trong khi các thành viên đảng Tự do và Công lý, nhánh chính trị của Tổ chức Anh em Hồi giáo thân chính phủ, lại được phép vào tận nơi bỏ phiếu để vận động cử tri bỏ phiếu ủng hộ dự thảo hiến pháp. Luật sư này cáo buộc thẩm phán Hossam El-Gheriany, Chủ tịch Hội đồng lập hiến đồng thời là Chủ tịch Hội đồng nhân quyền quốc gia (NCHR), đã cấp hơn 20.000 giấy phép cho các thành viên đảng Tự do và Công lý giám sát bỏ phiếu, cho rằng các gian lận nghiêm trọng này làm mất hiệu lực của cuộc bỏ phiếu.

Nhiều báo cáo của cảnh sát cũng ghi nhận việc thiếu các thẩm phán giám sát bên trong các phòng bỏ phiếu. Giám đốc tổ chức Kỹ năng truyền thông và phát triển (ACT) Azza Kamel cho biết tổ chức này đã nhận được khoảng 4.000 báo cáo tố cáo hành vi phạm luật bầu cử. Các luật sư và các nhà hoạt động nhân quyền trên yêu cầu tổ chức lại cuộc bỏ phiếu và cho biết sẽ gửi đơn khiếu nại lên Tổng công tố và yêu cầu Bộ trưởng Tư pháp sớm điều tra các cáo buộc vi phạm.

Cùng ngày, Mặt trận cứu quốc (NSF), liên minh đối lập chính kêu gọi biểu tình quy mô lớn trên cả nước, đặc biệt tại Quảng trường Tahrir và nhiều địa điểm trung tâm khác trong ngày 18-12 để phản đối các vi phạm trong cuộc trưng cầu ý dân đợt một. NSF cho biết họ sẽ yêu cầu Ủy ban Bầu cử tối cao điều tra các cáo buộc vi phạm.

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cuộc trưng cầu ý dân đợt đầu cho thấy 56,5% cử tri đã bỏ phiếu ủng hộ bản dự thảo hiến pháp. Phe đối lập cho rằng có tới 2/3 số cử tri đã nói "không" với văn bản này. Theo Ủy ban Bầu cử tối cao, kết quả chính thức sẽ được công bố sau khi kết thúc cuộc trưng cầu ý dân đợt hai, dự kiến tiến hành tại 17 tỉnh thành còn lại vào ngày 22-12.

(Theo BBC, Reuters)

Tin xem nhiều