Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, doanh nghiệp (DN) chịu nhiều thiệt hại do nhu cầu thị trường suy giảm, thiếu nguồn cung nguyên liệu.
Dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên thế giới đã 3 tháng, gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế toàn cầu. Trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ngưng trệ, doanh nghiệp (DN) chịu nhiều thiệt hại do nhu cầu thị trường suy giảm, thiếu nguồn cung nguyên liệu.
Trong khó khăn, các doanh nghiệp vẫn cố gắng giữ được việc làm cho người lao động. Trong ảnh: Sản xuất tại Nhà máy bánh kẹo Bibica Biên Hòa (KCN Biên Hòa 1). Ảnh: V.Gia |
[links()]Để vượt qua khó khăn, nhiều DN đã xây dựng phương án để có thể tiếp tục “trụ” vững trong thời gian chờ dịch bệnh được khống chế. Trong đó, tìm nguyên liệu trong nước, giữ nhịp độ sản xuất, tăng doanh số bán hàng online là những giải pháp mà nhiều DN nhắm tới.
* Tiết giảm sản xuất phù hợp
Là tổ chức đại diện cho cộng đồng DN tại Đồng Nai, Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai hiện có gần 500 DN hội viên, chủ yếu là DN có quy mô vừa và nhỏ. Trong số đó, DN sản xuất chiếm khoảng 30% và ở bối cảnh này, chỉ một số rất ít DN sản xuất (chủ yếu là các mặt hàng đồ bảo hộ lao động, khẩu trang, thiết bị y tế…) hiện kinh doanh tốt, còn lại đều gặp khó khăn.
Khảo sát tình hình khó khăn trong khu công nghiệp Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (Diza) đang tiến hành khảo sát khó khăn của DN trong các khu công nghiệp để kiến nghị tỉnh có giải pháp tháo gỡ. Theo Diza, DN cần chủ động cung cấp thông tin qua website: https://diza.dongnai.gov.vn hoặc văn bản về địa chỉ Diza, số 26, đường 2A, Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP.Biên Hòa. |
“Các DN thuộc các ngành sản xuất hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, logistics bị ảnh hưởng rất lớn. Các DN công nghiệp hỗ trợ bị ảnh hưởng bởi liên quan đến các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Khi DN FDI giảm sản xuất thì sẽ ảnh hưởng ngay đến các DN ngành công nghiệp hỗ trợ” - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai Đặng Văn Điềm nhận định.
Theo nhiều DN, khó khăn lớn nhất vẫn là đầu ra cho hàng hóa vì nhu cầu của thị trường suy giảm, sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ chậm. Chính vì vậy, nhiều DN đang cân đối lại chi phí, tiết giảm sản xuất, cố gắng “cầm cự” để vượt qua giai đoạn khó khăn.
Tại Công ty TNHH thương mại sản xuất Thiên Triều An (TP.Biên Hòa) chuyên sản xuất nước ép hoa quả, nước giải khát, từ sau Tết Nguyên đán đến nay, do ảnh hưởng từ dịch bệnh, công ty cũng gặp nhiều khó khăn. Dù vẫn cố gắng giữ được nguồn nguyên liệu bằng cách sử dụng trái cây, hoa quả trong nước thay cho hàng nhập, song vấn đề là sức tiêu thụ của thị trường giảm sút rõ rệt. Doanh số giảm tới 30% so với cùng kỳ năm 2019, nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ của người dân giảm, các đại lý cũng ít nhập hàng về hơn nên việc kinh doanh giảm sút. Để hạn chế thiệt hại, DN này đã tiết giảm bớt dây chuyền sản xuất.
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Thực phẩm GC ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom). Ảnh: Hương Giang |
“Việc tiết giảm sản xuất là cần thiết để phù hợp với nhu cầu thị trường, đồng thời để nhà máy lúc nào cũng hoạt động. Do là sản phẩm đồ uống nên hàng hóa phải giải quyết nhanh, không để tồn kho nhằm đảm bảo sức khỏe của người dân” - ông Đặng Trần Hoàng Thụy, Giám đốc công ty chia sẻ.
* Tìm nguồn nguyên liệu, chuyển hướng sang các mặt hàng mới
Hiện nay, nguồn cung ứng nguyên liệu phục vụ sản xuất công nghiệp của Đồng Nai vẫn còn phụ thuộc nhiều từ Trung Quốc. Có hơn 20% kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của tỉnh là từ thị trường này. Đặc biệt, với 5 ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh là: giày dép, dệt may, sản phẩm gỗ, xơ sợi dệt, máy móc thiết bị và phụ tùng, có những đơn hàng phải nhập nguyên liệu từ Trung Quốc đến 50-70%.
Lo giảm nguồn thu thuế xuất nhập khẩu Theo UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn Đồng Nai giảm 13% so với cùng kỳ năm 2019. Điều đó dẫn đến nguồn thu thuế qua công tác hải quan cũng giảm mạnh. Tương tự, đối với sản xuất nội địa, dự kiến nguồn thu thuế từ thuế thu nhập DN cũng sẽ giảm do tình hình sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn. Nếu kéo dài, việc xuất hàng và kiếm nguyên liệu thay thế sẽ tác động mạnh đến các DN chuyên sản xuất hàng xuất khẩu. |
Trong khi đó, dù tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc đã phần nào hạ nhiệt, song sản xuất vẫn đình trệ, các chuyên gia dự báo phải đến cuối quý II, kinh tế Trung Quốc mới ổn định trở lại nên DN Việt Nam cần có giải pháp chủ động ứng phó.
Để phần nào giảm thiểu sự phụ thuộc vào một thị trường, các DN đang tìm kiếm nguồn nguyên liệu cho sản xuất từ các thị trường khác, nhất là ở những nước tương đối phát triển, để có nguồn nguyên liệu tốt. Bên cạnh việc tìm nguyên liệu ngoại nhập, DN cũng đẩy mạnh việc tạo nguồn cung ứng sản phẩm trong nước, hợp tác với nhau để tạo đầu vào cho sản xuất.
Đại diện một công ty may mặc tại P.An Bình (TP.Biên Hòa) cho hay, nhu cầu về hàng thời trang của người dân giảm sút nên DN đã chuyển một phần sản xuất quần áo sang sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn và quần áo bảo hộ y tế. Việc hợp tác gia công sản phẩm này với DN lớn trong ngành là giải pháp để công ty ổn định sản xuất, vượt qua khó khăn trước mắt.
Trong khi đó, ông Phạm Thế Linh, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thế Linh (TP.Biên Hòa) cho hay, DN chuyên sản xuất chăn, ga, gối nệm phục vụ trong nước và xuất khẩu. Nguồn nguyên liệu chính của công ty nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, tuy nhiên cả 3 quốc gia này đang chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên phần nào cũng ảnh hưởng đến DN. Do đó, DN đã mở rộng tiêu thụ nguyên liệu trong nước và thị trường khác mặc dù chất lượng nguyên liệu không tốt bằng. Bên cạnh đó, DN tăng cường tương tác, chăm sóc khách hàng để kích cầu tiêu thụ sản phẩm. Thậm chí có những mặt hàng DN buộc phải hòa vốn để quá trình sản xuất không bị gián đoạn.
Các hình thức thanh toán trực tuyến, đặt hàng online được nhiều người lựa chọn trước tình hình phức tạp của dịch Covid-19. Ảnh: Hải Quân |
“Giữ vững nhịp độ sản xuất là yêu cầu cao nhất của công ty lúc này nhằm tạo việc làm ổn định cho công nhân lao động. Trong tình hình khó khăn, chúng tôi cũng đã có kịch bản chuẩn bị cho 3 tháng tới, tuy nhiên nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì cũng rất phức tạp” - ông Phạm Thế Linh lo lắng.
* Thay đổi cách bán hàng
Khác với các ngành sản xuất phần nhiều bị ảnh hưởng gián tiếp, có thể hoạt động tương đối ổn trong thời gian cho phép, các ngành dịch vụ lại chịu ảnh hưởng trực tiếp hơn cả trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay.
Hầu hết các DN kinh doanh các ngành về giáo dục, văn hóa, du lịch ẩm thực, nhà hàng khách sạn… đang “ngồi trên đống lửa” vì người dân hạn chế ra ngoài, hạn chế du lịch, tụ tập đông người theo yêu cầu của Chính phủ. Điều này khiến cho doanh số và hoạt động của các đơn vị bị co lại, thậm chí tạm ngưng hoạt động để không bị đánh thuế.
Đại diện một chuỗi trung tâm ngoại ngữ với 5 chi nhánh ở TP.Biên Hòa, H.Trảng Bom và tỉnh Bình Phước cho hay, các cơ sở của DN đều phải tạm dừng hoạt động từ Tết Nguyên đán đến nay. Hiện đơn vị đang phải chấp nhận bù lỗ các khoản chi phí về thuê mặt bằng, lương dành cho các nhân viên toàn thời gian, giáo viên cơ hữu… Trong tình thế đó, việc dạy học đang được chuyển sang hình thức online, song hiệu quả không cao như mong đợi.
Chị Cao Thị Hương Trang, quản lý chuỗi 4 cửa hàng cà phê, trà sữa Đông Dương, Tự Do… ở TP.Biên Hòa cho biết đã cắt giảm một số nhân sự không thực sự cần thiết để tiết giảm chi phí. Lượng khách hàng sụt giảm nên hệ thống cũng hụt nguồn thu so với trước. May mắn là chuỗi cửa hàng này có lượng khách quen cũng khá đông nên dịch vụ bán hàng, giao hàng tận nhà, cơ quan, văn phòng được đẩy mạnh, vì thế giảm bớt các chi phí liên quan.
Giải pháp bán hàng online qua các kênh của hệ thống siêu thị cũng mang lại nhiều kết quả tích cực. Co.opmart Biên Hòa đang kích thích người dân mua sắm online bằng hình thức vận chuyển miễn phí trong thành phố với hóa đơn mua hàng trị giá trên 200 ngàn đồng. Ngoài ra, những khách hàng thân thiết của hệ thống này cũng có thể sử dụng điện thoại để gọi đến các siêu thị gần nhất đặt hàng và được giao miễn phí tại nhà.
Tương tự, để tạo thuận lợi cho người dân mua sắm hàng hóa mà không cần trực tiếp đến siêu thị, hệ thống siêu thị Big C đang tăng cường hình thức bán hàng thương mại điện tử, mua sắm online để người tiêu dùng có thể ngồi nhà vẫn nhận được lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng hằng ngày khi có nhu cầu, không cần tích trữ khiến thực phẩm giảm sự tươi ngon.
Theo Bộ Công thương, việc mở rộng kênh bán hàng online, huy động các DN thương mại điện tử, logistics vào cuộc cũng là một trong những kịch bản được Bộ đưa ra. Qua đó, hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm nhưng vẫn hạn chế đến chỗ đông người trong thời kỳ dịch bệnh. Cách làm này cũng cho thấy mua sắm online đang là hình thức hiệu quả nhằm đẩy mạnh sức mua, thu hồi vốn nhanh và thúc đẩy sản xuất kinh doanh tăng trưởng.
Văn Gia