Nhiều năm qua, Đồng Nai liên tục đứng trong tốp những tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn. Một trong những nguyên nhân là Đồng Nai có những chiến lược thu hút đầu tư đúng đắn, trong đó có việc tận dụng những ưu thế về vị trí địa lý thuận lợi để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống giao thông kết nối với các tỉnh, thành lân cận cũng như các tuyến đường kết nối với các khu công nghiệp trên địa bàn.
Nhiều năm qua, Đồng Nai liên tục đứng trong tốp những tỉnh, thành có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài lớn. Một trong những nguyên nhân là Đồng Nai có những chiến lược thu hút đầu tư đúng đắn, trong đó có việc tận dụng những ưu thế về vị trí địa lý thuận lợi để đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống giao thông kết nối với các tỉnh, thành lân cận cũng như các tuyến đường kết nối với các khu công nghiệp trên địa bàn.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng về kinh tế, kéo theo những thách thức không nhỏ về giải quyết các vấn đề giao thông, nhất là ở cửa ngõ ra vào các KCN. Một thực tế hiện nay, số lượng cũng như chất lượng kết cấu hạ tầng giao thông kết nối với KCN ở Đồng Nai dù được quan tâm đầu tư, xây dựng nhưng vẫn chưa đáp ứng được đầy đủ, kịp thời nhu cầu vận tải hàng hóa, nhu cầu đi lại của người dân và sự phát triển kinh tế - xã hội.
Theo các cơ quan chức năng của tỉnh, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do trước đây, khi quy hoạch các KCN chưa tính toán đến việc đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ ở xung quanh các KCN. Đa số là những tuyến đường kết nối với các KCN còn nhỏ, hẹp từ 7-11m lại chủ yếu giao cắt đồng mức nên khi xảy ra ùn tắc thì xe cộ khó có thể thoát nhanh. Hiện nay, vào các khung giờ cao điểm trong ngày, hàng ngàn phương tiện từ xe cá nhân đến xe tải, xe container vận chuyển hàng hóa nối đuôi nhau di chuyển ở các tuyến đường cửa ngõ ra vào các KCN từ TP.Biên Hòa đến các huyện: Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch...
Thực trạng trên không chỉ tốn thời gian lưu thông, chi phí sản xuất mà còn tăng nguy cơ mất an toàn giao thông cho người và phương tiện. Do đó, một số giải pháp cấp thiết đã được ngành chức năng đưa ra để hạn chế tình trạng này như: cấm xe tải lưu thông vào giờ cao điểm hoặc phân công lực lượng chức năng trực tiếp điều tiết phân luồng vào giờ cao điểm; tiếp tục quan tâm đầu tư đúng mức cho hạ tầng giao thông, nhất là tại các tuyến đường cửa ngõ ra vào các KCN.
Ngoài ra, để xóa những điểm nghẽn này, Đồng Nai cũng cần phải có quy hoạch tổng thể và có tầm nhìn để làm cơ sở cho quy hoạch giao thông, quy hoạch đô thị. Mở rộng đường, làm thêm những tuyến đường mới nhằm phá vỡ thế “độc đạo” các tuyến đường dân sinh kết nối với KCN. Đồng thời phải quy hoạch cảng hàng hóa, các KCN, các tuyến đường vành đai cũng như tính toán đến phương án xây dựng nhà ở cho công nhân ra ngoài vùng ven.
Về lâu dài, để khơi thông “mạch máu” giao thông, hàng loạt dự án lớn về giao thông qua địa bàn tỉnh đã và đang được xây dựng như: các tuyến đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết, Biên Hòa - Vũng Tàu hay cảng hàng không quốc tế Long Thành hứa hẹn sẽ tạo ra cơ hội để giao thông của Đồng Nai có nhiều đột phá, tạo “đòn bẩy” rất lớn trong việc thu hút đầu tư, phát triển thêm các KCN trên địa bàn tỉnh, trong đó có các địa phương ở xa trung tâm. Qua đó góp phần tạo việc làm, thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, rút dần khoảng cách giàu nghèo giữa thành thị và nông thôn, đưa kinh tế - xã hội của tỉnh tăng trưởng bền vững.
Thanh Hải