Báo Đồng Nai điện tử
En

Nơi hồi sinh các động vật hoang dã

03:05, 27/05/2020

Các loài thú hoang dã phải được sống trong tự nhiên. Đó là mục tiêu và cũng là động lực để những người làm công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã gắn bó với công việc của mình.

Các loài thú hoang dã phải được sống trong tự nhiên. Đó là mục tiêu và cũng là động lực để những người làm công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã gắn bó với công việc của mình.

Cứu hộ động vật hoang dã ở Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: CTV
Cứu hộ động vật hoang dã ở Vườn quốc gia Cát Tiên. Ảnh: CTV

[links()]Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Cát Tiên (gọi tắt là trung tâm) được thành lập năm 2005, theo quyết định của Bộ NN-PTNT. Đây là nơi cứu hộ những động vật hoang dã từng bị săn bắt, nuôi nhốt. Theo đó, sau khi tiếp nhận những động vật hoang dã thuộc diện này, các chuyên gia và nhân viên của trung tâm sẽ chăm sóc, khám bệnh, điều trị và huấn luyện bản năng tự nhiên cho các cá thể rồi thả chúng về với môi trường tự nhiên.

* “Tổ ấm” của các động vật hoang dã

Trong những năm đầu thành lập, lượng động vật được trung tâm chăm sóc, tái thả về tự nhiên trung bình từ 300-350 cá thể/năm. Về sau, do công tác bảo vệ động vật hoang dã tốt hơn, nhận thức của người dân cũng tốt lên nên việc săn bắt động vật hoang dã có chiều hướng giảm xuống. Lượng động vật được tiếp nhận, chăm sóc, cứu hộ tại đây cũng giảm dần. Hiện nay, mỗi năm, trung tâm cứu hộ từ 200-250 cá thể, thuộc 30-40 loài động vật. Trong đó có nhiều loài thuộc nhóm nguy cấp như: vượn đen má vàng, cu li nhỏ, voọc chà vá, tê tê…

Free the Bears là một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận được thành lập vào năm 1995 có trụ sở tại Úc, với mục đích bảo vệ, bảo tồn và đem đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho các loài gấu trên thế giới. Hơn 20 năm qua, Free the Bears đã giúp cứu hộ và chăm sóc cho hơn 900 cá thể gấu bị khai thác và ngược đãi tại một số quốc gia như: Thái Lan, Lào, Campuchia, Indonesia, Việt Nam, Ấn Độ. Free the Bears đã và đang vận hành 3 trung tâm gấu tại 3 quốc gia là Lào, Campuchia và Việt Nam (Trung tâm Gấu tại Vườn quốc gia Cát Tiên).

“Những loài càng quý hiếm thì nguy cơ tuyệt chủng càng cao. Mức độ săn bắn, mua bán trái phép cũng nhiều hơn so với các loài thông thường” - TS Bạch Thanh Hải, Giám đốc trung tâm cho biết.

Theo TS Bạch Thanh Hải, các loài vật có tập tính sống theo bầy đàn, có nguồn thức ăn nhiều, phân bố rộng thì khả năng huấn luyện, tái thả sẽ có thời gian ngắn (thường trong vòng 3-6 tháng sau khi tiếp nhận). Tuy nhiên, cũng có những loài cần thời gian huấn luyện trước khi tái thả từ 1,5-3 năm (thường là các loài như vượn đen má vàng, culi…). Vì vậy, sau khi huấn luyện bản năng thông thường (vận động, nhận biết, tìm kiếm thức ăn) thì phải có thêm 1 bước huấn luyện trước khi tái thả. Đó là huấn luyện trong môi trường bán hoang dã - một khu vực giống như một cánh rừng được thu hẹp. Với cách làm này, khi thả ra tự nhiên thì khả năng thành công sẽ cao hơn.

Những con gấu ở Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Cát Tiên đang được sống trong khu vực bán hoang dã. Ảnh: T.Nhân
Những con gấu ở Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Cát Tiên đang được sống trong khu vực bán hoang dã. Ảnh: T.Nhân

Cũng có rất nhiều cá thể, dù được các chuyên gia, nhân viên ở đây dốc lòng cứu hộ, huấn luyện nhưng vẫn không thể tái thả về tự nhiên. Những trường hợp này thường rơi vào các loài thú lớn (gấu chó, gấu ngựa). Do nuôi nhốt quá lâu ngày để lấy mật (có trường hợp bị nuôi nhốt đến 20 năm trước khi được cứu hộ), làm xiếc thú, chúng bị mất hết bản năng tự nhiên, rất khó để huấn luyện, tái thả. Với những loài này, trung tâm chủ yếu làm công tác an sinh, chăm sóc suốt đời, nuôi nhân đạo để phục vụ công tác giáo dục, bảo tồn động vật hoang dã.

* Gian nan cứu hộ gấu

7 giờ sáng, anh Nguyễn Văn Châu, nhân viên của trung tâm có mặt tại chuồng gấu. Công việc của anh là dọn vệ sinh chuồng sạch sẽ và cho gấu ăn. Làm việc tại đây đã 3 năm, anh Châu có thể nhớ được tính cách của từng con gấu để có cách giao tiếp tốt nhất với chúng.

“Con Lucci này nhát lắm. Nó sống ở đây chắc cũng gần chục năm rồi” - anh Châu vừa cho 1 con gấu ăn, vừa vui vẻ kể. Ở đây, mọi con gấu đều có một tên gọi riêng như thế.

Trong khi anh Châu đang cho gấu ăn thì cách nhà gấu chừng 2km, chị Phạm Hồng Nữ đang chuẩn bị thức ăn bữa chiều cho gấu. Chị Nữ rửa sạch và cắt dưa hấu, củ đậu thành những miếng vừa ăn cho gấu. Thậm chí, có 1 con gấu đã già, không thể ăn thức ăn cứng được nên chị Nữ phải luộc một phần khoai dành riêng cho chú gấu này.

Ngoài cứu hộ, huấn luyện, chăm sóc và tái thả động vật về môi trường tự nhiên, Trung tâm Cứu hộ, bảo tồn và phát triển sinh vật Vườn quốc gia Cát Tiên còn thực hiện các chương  trình nghiên cứu khoa học về bảo tồn, ứng dụng khoa học trong công tác cứu hộ, bảo tồn động vật hoang dã; giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ các loại động thực vật nói chung và các loài động thực vật quý hiếm nói riêng; xây dựng các chương trình nhân nuôi, sinh sản, phát triển các loài sinh vật.

Làm việc tại trung tâm được nửa năm, công việc hằng ngày của chị Nữ là nhận thức ăn, kiểm tra chất lượng, số lượng rồi rửa sạch và thức ăn. Trước đây, công việc này là của các nhân viên chăm sóc gấu như anh Châu. Nhưng để họ có thời gian chăm sóc gấu tốt hơn, trung tâm đã tuyển riêng một “đầu bếp” cho gấu.

Công tác cứu hộ gấu ở trung tâm được Free the Bears, một tổ chức hoạt động phi lợi nhuận hỗ trợ từ năm 2008 đến nay. Năm 2020 này, Free the Bears mới hoàn thành 3 khu “nhà gấu” để làm nơi ở mới cho gần 40 con gấu đang được cứu hộ tại đây. Các khu “nhà gấu” này gồm có các chuồng nuôi gấu được thiết kế liên thông với một khu rừng bán hoang dã rộng rãi. Khu bán hoang dã này rất rộng, được ngăn cách với cánh rừng bên ngoài bởi một hàng rào sắt vững chắc.

“Những con gấu được di chuyển từ “nhà” cũ sang “nhà” mới sẽ cần có thời gian để thích nghi. Vì vậy, tại đây, chúng tôi sẽ theo dõi chúng. Khi chúng đã ổn định, chúng tôi mới mở cửa ra khu bán hoang dã và rải thức ăn trong khu vực này để gấu đi kiếm thức ăn. Chúng sẽ thích nghi dần với môi trường bán hoang dã mới và từng bước khám phá được bản năng hoang dã của mình” - anh Jose Fontes, cố vấn kỹ thuật của tổ chức Free the Bears chia sẻ.

Anh Jose Fontes cũng cho biết thêm, hầu hết những con gấu được đưa về trung tâm cứu hộ đã phải sống gần như cả đời ở trong chuồng. Có những con bị nhốt đến 20 năm để lấy mật. Có những trường hợp ngay từ khi mới được sinh ra đã bị săn bắt, tách khỏi mẹ. Do đó, chúng không có được hành vi tự nhiên, việc tái thả ra môi trường hoang dã là gần như không thể. Vì vậy, khi đưa về đây, những người làm công tác cứu hộ chỉ mong chúng có được cuộc sống tốt đẹp hơn. Ở đây, chúng sẽ được khuyến khích sống trong môi trường bán hoang dã để có được những hành vi, tập tính tự nhiên.

* Gầy dựng gia đình cho vượn

Cùng với gấu, các loài thuộc bộ linh trưởng (khỉ, voọc, vượn đen má vàng…) chiếm số lượng lớn tại trung tâm. Hiện nay, trung tâm đang cứu hộ 40 cá thể vượn đen má vàng, 20 cá thể cu li, 40 cá thể voọc.

Sau khi tiếp nhận các cá thể thuộc bộ linh trưởng, trung tâm tiến hành huấn luyện ban đầu (bản năng di chuyển trên cây, ăn thức ăn tự nhiên). Sau đó, chúng được đưa sang khu vực Đảo Tiên để sống trong môi trường bán hoang dã trước khi tái thả ra tự nhiên.

Trong số các loài thuộc bộ linh trưởng, việc tái thả loài vượn đen má vàng gặp phải nhiều khó khăn. Đây là loài vật có tập tính sống theo gia đình, bảo vệ lãnh thổ, 80% thức ăn là trái cây rừng. Chúng chỉ sống ở những khu rừng có tán rừng liên tục (rừng thường xanh, rừng nguyên sinh). Do vậy, thông thường, tại trung tâm, các con vượn đen má vàng sẽ được tìm cách ghép đôi, xây dựng gia đình trước khi tái thả.

Để làm được việc này, các con vượn đực, vượn cái thường được nhốt gần chuồng của nhau. Trong quá trình chăm sóc, các chuyên gia sẽ quan sát, nếu thấy chúng có vẻ “thích” nhau thì họ sẽ mở cửa chuồng cho chúng chung sống. Nếu chúng có thể chung sống hòa bình, chịu giao phối với nhau thì coi như việc “dựng vợ, gả chồng” là thành công. Sau khi hoàn thành huấn luyện bản năng tự nhiên, những gia đình vượn này sẽ được tái thả về rừng. 

Trước khi tái thả, các nhân viên cứu hộ phải tiến hành điều tra khảo sát khu vực dự định tái thả một cách kỹ lưỡng xem khu vực này có thích hợp hay không. Chọn lựa không đúng vị trí có thể sẽ gây hại cho cá thể đó. Nếu khu vực chọn thả đã là lãnh thổ của một gia đình vượn khác, chúng sẽ “chiến đấu” để tranh giành lãnh thổ. Trong trường hợp này, những con vượn đã từng bị nuôi nhốt lâu ngày sẽ không thể nào đánh thắng được những con vượn khỏe mạnh trong tự nhiên. Vì vậy, khu vực được chọn để tái thả những con vượn mới phải là những khu vực không hề có con vượn nào sinh sống. Để tìm được một địa điểm như vậy, các nhân viên cứu hộ phải lặn lội vào rừng sâu, có khi phải ở trong rừng hằng tháng trời mới khảo sát được.

Không chỉ riêng loài vượn đen má vàng, với những loài vật thuộc nhóm nguy cấp, trung tâm phải thực hiện chương trình theo dõi sau tái thả. Chúng được gắn các chip để theo dõi khả năng hòa nhập môi trường tự nhiên. Sau 1-2 năm, chip tự động rơi xuống, lúc đó chúng sẽ sống hoàn toàn trong tự nhiên. Đối với những trường hợp chưa thích nghi được hoặc do bị đánh, xua đuổi ngoài tự nhiên thì các nhân viên của trung tâm sẽ di chuyển chúng sang một địa điểm khác hoặc mang về tiếp tục huấn luyện. “Sau khi huấn luyện, tỷ lệ tái thả thành công đạt khoảng 90-95%” - TS Bạch Thanh Hải cho hay.

Hải Yến - Thành Nhân

 

Tin xem nhiều