Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiếp tục thực hiện đề án trong giai đoạn tới

09:05, 20/05/2020

Xác định phân loại rác tại nguồn (PLRTN) là "cuộc chiến" dài hơi, liên tục và cần thiết, mới đây, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 54/CT-TU ngày 24-3-2020 về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Xác định phân loại rác tại nguồn (PLRTN) là “cuộc chiến” dài hơi, liên tục và cần thiết, mới đây, Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 54/CT-TU ngày 24-3-2020 về tăng cường sự lãnh đạo thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Công nhân môi trường làm việc tại một điểm sang tiếp rác sinh hoạt. Ảnh: L.An
Công nhân môi trường làm việc tại một điểm sang tiếp rác sinh hoạt. Ảnh: L.An

Chỉ thị đặt mục tiêu đến năm 2025, Đồng Nai thực hiện đúng quy chuẩn về xây dựng và môi trường.

* Đồng loạt triển khai phân loại rác

Theo đó, Chỉ thị số 54 yêu cầu cấp ủy, chính quyền các cấp, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành tập trung triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh. 

Ông Đặng Minh Đức, Giám đốc Sở TN-MT cho rằng, việc tiếp tục thực hiện PLRTN trên phạm vi toàn tỉnh là việc làm cần thiết, cấp thiết nhưng không thể vội vàng. Để đề án PLRTN mới phát huy hiệu quả, cần có sự đồng lòng, phối hợp chặt chẽ của người dân, cơ quan quản lý và đơn vị thu gom.

Bên cạnh đó, để thống nhất tổ chức và đồng bộ trong việc triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, Sở TN-MT phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan xây dựng và trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020-2025.

Đề án đặt mục tiêu trong năm 2020 đồng loạt triển khai thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên toàn tỉnh; phấn đấu đến năm 2025, các đô thị trên địa bàn tỉnh thực hiện hiệu quả việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn và đầu tư, xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ phục vụ cho hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn tỉnh đảm bảo đúng quy chuẩn về xây dựng và môi trường.

Theo kế hoạch, năm 2020, Đồng Nai sẽ nhân rộng PLRTN ra toàn tỉnh, trong đó chú trọng tổ chức đấu thầu dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải; đầu tư xây dựng các trạm trung chuyển xử lý chất thải tập trung. Ngoài ra, xây dựng chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng ở các trường học, cộng đồng dân cư, cơ quan nhà nước, các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ về giảm thiểu, PLRTN, tái chế, tái sử dụng chất thải rắn, thải bỏ chất thải rắn đúng nơi quy định.

* Cần thêm nguồn lực

Trên thực tế, để chương trình PLRTN đạt kết quả, việc nâng cao ý thức trong cộng đồng dân cư được xem là yếu tố tiên quyết, đóng vai trò quan trọng.

Bà Quách Ngọc Bửu, Phó giám đốc Công ty CP Môi trường Sonadezi cho rằng, rác thải sinh hoạt được phân loại đúng tại nguồn không chỉ giảm chi phí xử lý mà còn giảm phát tán mùi hôi trong quá trình phân loại và giảm được nhiều diện tích đất chôn lấp, hạn chế ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Tuy nhiên, đa số người dân vẫn chưa thay đổi thói quen, chưa thấy được lợi ích của việc làm này. Bên cạnh đó, các địa phương chưa đầu tư đồng bộ cho công tác phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn. Đơn cử như TP.Biên Hòa chưa quy hoạch được các địa điểm sang tiếp rác (từ xe ba gác sang xe lớn) phù hợp; việc thu gom sau phân loại chưa thống nhất và triệt để, thiếu phương tiện vận chuyển rác chuyên dụng sau khi phân loại tại các hộ.

Để đề án mới triển khai suôn sẻ, các địa phương cần tăng cường các hoạt động truyền thông giúp người dân hiểu được lợi ích của PLRTN và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thống nhất phân biệt màu sắc của các dụng cụ, túi đựng rác sau phân loại nhằm đảm bảo công tác thu gom, xử lý thuận lợi; có biện pháp chế tài đối với hành vi bỏ rác không đúng nơi quy định hoặc không đăng ký thu gom rác thải.

Tỉnh cũng cần chỉ đạo các đơn vị thu gom, xử lý chất thải đầu tư phương tiện, thiết bị đáp ứng yêu cầu thu gom, vận chuyển chất thải sau phân loại, có hình thức động viên, khen thưởng các tổ chức, cá nhân thực hiện tốt việc PLRTN, thiết lập các điểm thu hồi chất thải nguy hại trong chất thải sinh hoạt của người dân.

Có thể thấy, PLRTN là việc làm nhỏ nhưng mang lại lợi ích lớn. Để đề án này phát huy hiệu quả trong thời gian tới, đòi hỏi các cấp, ngành phải nỗ lực hơn nữa trong công tác tuyên truyền vận động, có sự hợp tác tích cực của người dân, doanh nghiệp, đầu tư hạ tầng cho phân loại, xử lý chất thải.               

Lê An

 

Tin xem nhiều