Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và kinh tế thế giới có nhiều bất ổn sau đại dịch Covid-19 đã tác động nhanh hơn đến việc chuyển dịch dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung và kinh tế thế giới có nhiều bất ổn sau đại dịch Covid-19 đã tác động nhanh hơn đến việc chuyển dịch dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang các nước khác. Trong bối cảnh đó, Việt Nam nổi lên là điểm đến an toàn, tiềm năng để các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lựa chọn. Tuy nhiên, không chỉ Việt Nam mà các nước trong khu vực cũng có những chiến lược của mình, cạnh tranh với nhau để đón "sóng" đầu tư.
Sản xuất tại Công ty TNHH Sowell Việt Nam ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 3 (H.Nhơn Trạch). Ảnh: H.Giang |
[links()]Ở góc độ địa phương, Đồng Nai cũng như cả nước đang tích cực tập trung vào các nhiệm vụ cải thiện môi trường đầu tư, chuẩn bị các điều kiện để thu hút, đón dòng vốn chất lượng cao từ các tập đoàn lớn trên thế giới.
* Tìm cách ở vào vị thế đón đầu
Xu thế dịch chuyển vốn đầu tư FDI ra khỏi Trung Quốc ngày càng diễn ra mạnh mẽ, nhất là từ 2 quốc gia có các tập đoàn lớn trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản và một phần khác là các quốc gia của châu Âu.
Vấn đề này được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục khẳng định trong buổi làm việc với các địa phương thuộc Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vào cuối tháng 5 vừa qua tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thủ tướng nhận định, sau đại dịch toàn cầu Covid-19, thế giới khủng hoảng nghiêm trọng về mọi mặt. Xu hướng dịch chuyển dòng chảy vốn đầu tư ra khỏi Trung Quốc đại lục đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ, các quốc gia đều mong muốn thoát khỏi sự lệ thuộc quá nhiều vào đại công xưởng sản xuất hàng hóa từ Trung Quốc nên trong bối cảnh kiểm soát tốt dịch bệnh, lại cận kề nên Việt Nam có cơ hội để đón sóng đầu tư. Vấn đề là chúng ta phải làm gì để chủ động phát triển? Chúng ta có quyết sách gì để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước?
Đối với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh vai trò của vùng khi chiếm tới 43% GDP của cả nước. Do đó, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các tỉnh, thành đóng góp ý kiến để Chính phủ quyết sách đúng trong chiến lược thu hút đầu tư ngắn hạn, dài hạn.
Khu công nghiệp Long Khánh đang dự kiến mở rộng thêm 500ha để góp phần phục vụ thu hút đầu tư. Ảnh: Văn Gia |
Về lợi thế của đất nước, theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang thực hiện nhiều ưu đãi để thu hút đầu tư, do vậy doanh nghiệp (DN) nước ngoài dịch chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam sẽ có thêm cơ hội đầu tư tài chính, du lịch, bất động sản và dịch vụ. Đây là những lĩnh vực mà ở một số quốc gia khác, cơ hội đầu tư ngày càng hạn chế hơn do mức độ phát triển đã khá cao. Bên cạnh đó, chi phí đóng thuế thu nhập doanh nghiệp ở Việt Nam khoảng 20%, thuộc nhóm thấp nhất Đông Nam Á, chỉ sau Singapore. Ngoài ra, các công ty hoạt động trong các khu công nghiệp (KCN) cũng được hưởng nhiều ưu đãi như: miễn thị thực, miễn thuế 2-4 năm, giảm thuế 3-15 năm và miễn thuế nhập khẩu.
Việt Nam cũng là nước có nền kinh tế với độ mở lớn, hàng loạt hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương đã được ký kết hoặc thực thi. Dân số trẻ, khả năng học hỏi, tiếp thu thành tựu khoa học kỹ thuật nhanh… cũng là những lợi thế so sánh để các nhà đầu tư, tập đoàn đa quốc gia xem xét đối với điểm đến Việt Nam.
Khi dòng đầu tư, dòng sản xuất dịch chuyển khỏi Trung Quốc thì nhiều quốc gia trong khu vực cũng đang "chạy đua" thu hút đầu tư, nên Việt Nam cũng vấp nhiều đối thủ cạnh tranh. Thời gian qua, việc sốt sắng, chủ động của các quốc gia như Ấn Độ, Indonesia trên truyền thông thế giới đã phần nào gây được tiếng vang. Do vậy, Việt Nam phải nhanh chóng, mạnh mẽ hơn nếu không muốn bị chậm chân trong xu hướng đặc biệt này.
Theo các chuyên gia, để sẵn sàng đón làn sóng dịch chuyển đầu tư quốc tế này, cần tiếp tục cải thiện tốt hơn nữa môi trường đầu tư, chủ động kết nối, làm việc với các tập đoàn lớn của thế giới để trao đổi, chia sẻ các cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Muốn “săn” các tập đoàn lớn, cần phải chủ động dẫn dắt cuộc chơi chứ không phải là tích cực trong thế bị động.
Trước những yêu cầu nêu trên, Chính phủ đã thành lập tổ công tác đặc biệt để đón làn sóng đầu tư mới này. Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, các nước đang cạnh tranh quyết liệt để đón "sóng" đầu tư. Do vậy, Việt Nam phải có các ưu đãi mang tính cạnh tranh. Từ đó, hướng sự thu hút vào các tập đoàn đa quốc gia lớn, công nghệ cao, hiện đại để nâng cao vị thế của Việt Nam.
* Mở rộng, xây dựng nhiều khu công nghiệp để đón "sóng" đầu tư
Để thu hút dòng vốn dịch chuyển đầu tư một cách có hiệu quả, Việt Nam phải chuẩn bị nhiều điều kiện để các DN FDI thấy sự hấp dẫn so với các quốc gia khác, nhất là sớm chuẩn bị quỹ đất, xây dựng các KCN mới. Hàng loạt địa phương trong cả nước, trong đó có Đồng Nai đã chủ động thực hiện vấn đề này.
Mới đây nhất, nửa đầu tháng 5-2020, tỉnh Long An đã khởi công liên tiếp 2 KCN có quy mô lớn để đón các nhà đầu tư. Riêng KCN Việt Phát diện tích 1.800ha được xem là một trong những KCN lớn nhất tại phía Nam, kỳ vọng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An.
Phối cảnh Khu công nghiệp An Phước đang được Đồng Nai đề xuất thành lập |
Đầu năm 2020, KCN Becamex Bình Định cũng được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. KCN này sẽ có quy mô 1 ngàn ha tại H.Vân Canh, Bình Định với tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng. Các địa phương ở khu vực phía Bắc như: Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên… cũng tích cực chuẩn bị quỹ đất để chạy đua thu hút dòng vốn ngoại.
Địa phương thu hút vốn FDI lớn nhất cả nước, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho hay đã chủ động xác định lĩnh vực trọng điểm đầu tư để liên hệ, mời gọi. Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực để đón tiếp nhà đầu tư như cân đối, bố trí vốn đầu tư công cho các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Thành phố cũng chuẩn bị quỹ đất sạch bằng cách rà soát lại đất công, tổ chức nghiên cứu đấu giá một số khu đất, mặt bằng nhà xưởng để thu hút nhà đầu tư có năng lực lớn. Bên cạnh đó, đào tạo lượng lao động các ngành mũi nhọn, thu hút chuyên gia, nhà khoa học và trọng dụng nhân tài, gắn với phát triển khoa học - công nghệ.
“Thành phố tiếp tục tăng cường các giải pháp cải cách thủ tục hành chính nhằm tinh gọn, đơn giản hóa thủ tục đầu tư. Mở rộng dịch vụ công trực tuyến, hoàn chỉnh và áp dụng chương trình đăng ký đầu tư trực tuyến phục vụ nhà đầu tư” - ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định.
Riêng với Đồng Nai, từ trước, hàng loạt KCN trong tỉnh đã được đề xuất mở rộng diện tích và được chấp thuận như Amata (TP.Biên Hòa), An Phước, Long Đức (H.Long Thành), Tân Phú (H.Tân Phú), Xuân Lộc (H.Xuân Lộc), Hố Nai, Sông Mây (H.Trảng Bom), Long Khánh (TP.Long Khánh… Đồng Nai cũng sẽ có thêm 4 KCN mới đi vào hoạt động là KCN công nghệ cao Long Thành, KCN Phước Bình (H.Long Thành), KCN Cẩm Mỹ (H.Cẩm Mỹ) và KCN Gia Kiệm (H.Thống Nhất).
Không chỉ vậy, để phục vụ cho việc đón đầu chuyển dịch đầu tư sau đại dịch Covid-19, ngày 18-2-2020, UBND tỉnh có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa KCN Biên Hòa 1 ra khỏi quy hoạch, chuyển đổi công năng thành khu đô thị - thương mại - dịch vụ. Đồng thời, tỉnh kiến nghị bổ sung thêm 2 KCN là KCN Phước An quy mô 330ha và KCN Phước Bình 2 quy mô 590ha vào quy hoạch KCN Đồng Nai đến năm 2020.
“Việc đầu tư các KCN này nhằm ưu tiên lựa chọn dự án dịch chuyển thuộc những ngành có công nghệ tiên tiến, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao và năng lượng sạch theo đúng quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị. Đến nay tỉnh đang hoàn chỉnh báo cáo giải trình, bổ sung các nội dung theo đề nghị của các bộ, ngành liên quan” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho hay.
“Nâng cao năng lực, sức cạnh tranh nhằm đón đầu các thời cơ, lợi thế, cơ hội mới. Tạo điều kiện thuận lợi để các DN thuộc mọi thành phần kinh tế phát huy sức sáng tạo và khả năng thích ứng, tận dụng các cơ hội, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo việc làm cho người lao động. Chủ động, có cơ chế, chính sách, hoàn thiện hạ tầng cơ sở, cung ứng các dịch vụ hỗ trợ nhằm thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, bảo đảm chất lượng, hiệu quả và bảo vệ môi trường, sinh thái. Chú trọng từ các tập đoàn lớn, các công ty đa quốc gia có công nghệ cao, tiềm lực mạnh, đứng đầu hoặc chi phối các mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu” (Kết luận số 77-KL/TW ngày 5-6-2020 của Bộ Chính trị khắc phục tác động của đại dịch Covid-19 để phục hồi và phát triển nền kinh tế đất nước). |
Văn Gia