Báo Đồng Nai điện tử
En

Ô nhiễm môi trường từ khí thải giao thông

03:06, 27/06/2020

Vấn đề ô nhiễm môi trường do khí thải từ các phương tiện giao thông đường bộ gây ra cũng để lại nhiều hệ lụy đòi hỏi phải sớm có giải pháp kiểm soát.

Những năm gần đây, số lượng phương tiện giao thông đường bộ tăng nhanh theo tốc độ phát triển kinh tế. Bên cạnh những lợi ích nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải và đi lại của người dân thì vấn đề ô nhiễm môi trường do khí thải từ các phương tiện giao thông đường bộ gây ra cũng để lại nhiều hệ lụy đòi hỏi phải sớm có giải pháp kiểm soát.

Tuyến đường Bùi Văn Hòa (TP.Biên Hòa) trở thành “điểm nóng” kẹt xe vào các giờ cao điểm do phải “gồng gánh” hàng vạn phương tiện cả xe máy và ô tô các loại đi và đến 3 khu công nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thanh Hải
Tuyến đường Bùi Văn Hòa (TP.Biên Hòa) trở thành “điểm nóng” kẹt xe vào các giờ cao điểm do phải “gồng gánh” hàng vạn phương tiện cả xe máy và ô tô các loại đi và đến 3 khu công nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Thanh Hải

[links()]Tại Đồng Nai, theo đánh giá của ngành chức năng, ô nhiễm không khí chủ yếu do 3 nguyên nhân chính là bụi, khí thải từ hoạt động khai thác khoáng sản, sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và khí thải từ xe cộ.

* Áp lực từ phương tiện tăng cao

Theo thống kê của Công an tỉnh, tốc độ tăng phương tiện giao thông trên địa bàn tỉnh hiện nay vào khoảng từ 5-10%/năm. Vào năm 2015, tổng số xe đơn vị đang quản lý là hơn 1,8 triệu xe các loại. Nếu so với năm 2010, giai đoạn 2011-2015 lượng xe tăng hơn 594 ngàn phương tiện, trong đó ô tô tăng hơn 32 ngàn chiếc (tăng 60,5%) còn lại xe gắn máy tăng gần 47%. Tính trung bình 1 năm tăng 12,1% xe ô tô, xe gắn máy là 9,3%.

Theo Thanh tra giao thông (Sở GT-VT), trong năm 2019, qua công tác kiểm tra lực lượng chức năng đã lập biên bản vi phạm hành chính 1 trường hợp sử dụng phương tiện đường bộ hết niên hạn sử dụng. Ngoài ra, Thanh tra giao thông đã phát hiện 27 trường hợp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã hết hạn. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng đã phát hiện 20 trường hợp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đã hết hạn. Qua đó, ra quyết định xử phạt với tổng số tiền hơn 450 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 12 trường hợp vi phạm.

 Đến cuối năm 2019, lượng đăng ký ô tô mới hơn 8,2 ngàn xe; mô tô, xe máy gần 64,5 ngàn xe. Tổng số phương tiện cơ giới quản lý trên địa bàn hiện tại gần 2,4 triệu xe, tăng gần 151 ngàn phương tiện (tương đương gần 7%/năm) so với năm 2018. Tuy nhiên, đây chỉ là số phương tiện đăng ký chính thức tại Đồng Nai, lượng phương tiện còn dao động nhiều hơn bởi vẫn còn lượng lớn xe ngoại tỉnh.

Nhiều địa phương như: TP.Biên Hòa, các huyện Trảng Bom, Nhơn Trạch, Long Thành, Vĩnh Cửu có tốc độ phát triển công nghiệp nhanh khiến người dân từ các tỉnh lân cận tập trung về sinh sống, học tập và làm việc, kéo theo sự gia tăng về số lượng phương tiện cá nhân.

Riêng tại TP.Biên Hòa, một trong những nguyên nhân chính của tình trạng kẹt xe ở đô thị loại I này được xác định là do phương tiện cá nhân tăng lên nhanh chóng, trong khi hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu khiến thành phố ngày càng chật chội. Có những tuyến đường, tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài hàng cây số khiến việc lưu thông trở nên khó khăn.

Ông Lê Thành Chung (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) cho hay, trên các tuyến quốc lộ, các tuyến đường trên địa bàn thành phố lúc nào cũng đông đúc. Đặc biệt vào các giờ cao điểm nếu xảy ra ùn tắc kéo dài thì cả tuyến đường trở nên “ngột ngạt” hơn vì khói, bụi từ các loại xe thải ra ngoài môi trường rất lớn.

“Ngoài ra, khi lưu thông trên đường, tôi thường bắt gặp hình ảnh các xe tải, xe buýt, xe gắn máy nhả khói đen, thậm chí có những xe tải cũ kỹ khi di chuyển để lại những vệt khói làm hạn chế tầm nhìn của những người đi xung quanh gây mất an toàn giao thông” - ông Chung bộc bạch.

Theo đánh giá của Sở GT-VT, Đồng Nai là tỉnh nằm trong khu vực phát triển kinh tế trọng điểm của phía Nam nên hoạt động vận tải hàng hóa cũng như vận chuyển hành khách phát triển mạnh. Đến nay, trên địa bàn có 23 tuyến xe buýt với 425 phương tiện thực hiện hơn 1,6 ngàn chuyến/ngày; tuyến vận tải hành khách cố định có 149 tuyến đi và đến 30 tỉnh, thành trong cả nước với tổng số 250 chuyến/tháng. Riêng đối với loại hình vận tải hành khách bằng taxi là 2 ngàn xe, xe chạy hợp đồng, du lịch với 5,4 ngàn phương tiện được cấp phép hoạt động.

Biểu đồ thể hiện sự gia tăng số lượng phương tiện cơ giới trên địa bàn tỉnh từ năm 2016-2019 và tổng số phương tiện cơ giới trên địa bàn tỉnh hiện nay. (Thông tin: THANH HẢI - Đồ họa: DƯƠNG NGỌC)
Biểu đồ thể hiện sự gia tăng số lượng phương tiện cơ giới trên địa bàn tỉnh từ năm 2016-2019 và tổng số phương tiện cơ giới trên địa bàn tỉnh hiện nay. (Thông tin: THANH HẢI - Đồ họa: DƯƠNG NGỌC)

Lượng phương tiện lớn (bao gồm: xe cá nhân, xe vận chuyển khách, xe vận chuyển hàng hóa) với tần suất hoạt động cao nên lượng khí thải ra môi trường cũng tăng lên. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp, đơn vị vận tải, chủ xe còn thiếu quan tâm đến công tác chăm sóc, bảo dưỡng định kỳ xe theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Thậm chí, có trường hợp, nhiều phương tiện đã quá cũ kỹ và hết hạn sử dụng vẫn được sử dụng để vận chuyển hàng hóa, phục vụ sản xuất. Các loại phương tiện “quá đát” này thường xả ra từng lớp khói đen kịt với mùi hôi khó chịu.

* Nhiều ảnh hưởng về môi trường, sức khỏe con người

Theo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT), dựa vào dữ liệu quan trắc chất lượng môi trường không khí tại 2 trạm quan trắc tự động cố định đặt tại Sở TN-MT và Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai (đặt tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2), trong thời gian từ đầu tháng 4 đến nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến nhiều hoạt động sản xuất, giao thông bị ảnh hưởng, gián đoạn nên chất lượng không khí có phần cải thiện, đặc biệt là thông số bụi đều giảm và thay đổi tích cực so với tháng 3-2020. Tuy nhiên với lượng phương tiện giao thông lớn như hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường do khí thải từ các phương tiện giao thông vẫn còn, nhất là ở các đô thị lớn.

Phân tích về tác hại của loại khí thải từ phương tiện giao thông sử dụng động cơ xăng, dầu, Cục trưởng Cục Y tế giao thông vận tải (Bộ GT-VT) Phạm Tùng Lâm cho hay, đối với hoạt động giao thông, khí thải từ các phương tiện phụ thuộc vào chủng loại, chất lượng và nhiên liệu mà phương tiện sử dụng. Chẳng hạn, tác động từ động cơ diesel sẽ thải khói đen gấp 7,5 lần so với động cơ xăng nhưng các động cơ xăng gây phát thải chứa chì. Trong khi đó, động cơ sử dụng diesel không chứa chì, nhưng lại thải ra nhiều hạt lơ lửng trong không khí.

Theo ông Lâm, các chất gây ô nhiễm không khí phát sinh từ hoạt động giao thông đường bộ chủ yếu như: CO, NOx, SO2, bụi TSP… Đây là một trong những nguyên nhân trực tiếp gây ra các bệnh về đường hô hấp và có liên quan đến nhiều loại bệnh khác. Đối với hệ hô hấp, môi trường có nồng độ CO cao sẽ gây ngạt thở, trong khi khí NO2 có thể làm giảm chức năng phổi, nguy hiểm nhất là gây xơ hóa phổi, diễn biến thành bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi. Cả hai loại khí này đều được phát thải chủ yếu từ các phương tiện giao thông.

Về vấn đề này, BS Phan Thanh Thủy, Trưởng khoa Hô hấp (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai) cho biết, vào những thời điểm chất lượng không khí xấu, chỉ số ô nhiễm cao thì tần suất bệnh nhân nhập viện do các căn nguyên hô hấp cũng tăng cao. Đặc biệt, đối với khí thải từ xăng, dầu và bụi bặm do xe cơ giới gây ra ảnh hưởng rất lớn đến đường hô hấp của người dân. Nếu hít phải các chất gây ô nhiễm không khí phát sinh từ hoạt động giao thông đường bộ sẽ xâm nhập, tích tụ vào cơ thể gây viêm phế quản, nghẹt đường thở, hen cấp, lâu dần dễ dẫn đến sinh ra các bệnh mãn tính.

“Việc điều trị những căn bệnh này cũng hết sức phức tạp và tốn kém do bệnh tái đi tái lại nhiều lần. Do đó, vấn đề phòng bệnh, bảo vệ cơ thể đóng vai trò quan trọng. Người dân phải ra đường, cần dùng khẩu trang, áo gió che kín cả người để tránh khói bụi. Hạn chế lưu thông vào những giờ cao điểm ở các tuyến đường, khu vực giao thông vốn tập trung nhiều xe cộ” - BS Thủy đưa ra khuyến cáo.

Thanh Hải

Tin xem nhiều