Tại các đô thị công nghiệp phát triển như TP.Biên Hòa, những năm qua số lượng phương tiện giao thông mới tăng liên tục, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải và đi lại của người dân.
Tại các đô thị công nghiệp phát triển như TP.Biên Hòa, những năm qua số lượng phương tiện giao thông mới tăng liên tục, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải và đi lại của người dân. Bên cạnh những mặt tích cực thì vấn đề ô nhiễm môi trường không khí do khí thải của các phương tiện giao thông đường bộ gây ra được toàn xã hội đặc biệt quan tâm, đòi hỏi phải sớm có giải pháp kiểm soát.
Khói, bụi mịn từ khí thải động cơ xe và nguyên vật liệu khi phương tiện cơ giới lưu thông gây ô nhiễm môi trường, che khuất tầm nhìn người tham gia giao thông. Trong ảnh: Xe tải ben chở vật liệu xây dựng chạy hàng dài trên tỉnh lộ 768 đoạn qua H.Vĩnh Cửu |
Đồng Nai là một trong những địa phương có mật độ phương tiện tham gia giao thông đứng đầu cả nước. Để tăng cường kiểm soát các chất ô nhiễm trong không khí, tỉnh đã ban hành nhiều quy định như: đối với hoạt động khai thác khoáng sản yêu cầu xây dựng hệ thống xịt rửa xe, không cho xe vận chuyển khoáng sản hoạt động vào giờ cao điểm; đối với đô thị thì hạn chế các xe cơ giới lưu thông vào giờ cao điểm trong các khu vực dân cư. Đây được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu để từng bước kiểm soát khí thải phương tiện, giảm ô nhiễm môi trường đang là vấn đề “nóng” hiện nay.
Trước tình trạng ô nhiễm không khí ở các đô thị lớn gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, Chính phủ cần phải quyết liệt hơn trong việc giảm, kiểm soát khí thải. Trong đó, Bộ Giao thông - vận tải sớm trình Chính phủ ban hành quy định về kiểm tra khí thải đối với xe mô tô đang lưu hành. Trong tương lai, những giải pháp về hạn chế phương tiện cá nhân với mục tiêu giảm ùn tắc, giảm nguồn phát thải gây ô nhiễm cũng cần được tính toán cẩn trọng.
Với số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh như hiện nay, việc nâng tiêu chuẩn khí thải là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ môi trường cũng như giúp kiểm soát khí thải tốt hơn, phù hợp với xu hướng tiên tiến trên thế giới. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia giao thông, giải pháp căn cơ vẫn là phải đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông công cộng cũng như thúc đẩy người dân tham gia giao thông xanh như: sử dụng xe đạp, xe máy, ô tô điện, xe chạy bằng khí nén CNG; xe sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo…
Để tiến tới mục tiêu đó, các ngành chức năng cần nâng cao công tác tuyên truyền giúp người dân nhận thức được những ảnh hưởng của việc sử dụng phương tiện giao thông xanh đến chất lượng môi trường. Về lâu dài, cần tăng thêm nhiều ưu đãi để thúc đẩy các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hướng tới sử dụng phương tiện ít phát thải chạy bằng điện, khí thiên nhiên; coi yếu tố xanh là một trong những tiêu chí bắt buộc trong việc cạnh tranh quyền khai thác các tuyến vận tải công cộng. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp vận tải đầu tư, ứng dụng công nghệ, thiết bị xử lý khí thải nhằm giảm phát thải gây ô nhiễm môi trường trong suốt quá trình khai thác và sử dụng phương tiện.
Đảm bảo chất lượng môi trường đang là vấn đề được Chính phủ quan tâm đặc biệt trong giai đoạn nền kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển tích cực, đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Điều này thể hiện ở việc Chính phủ, các bộ, ngành đã ban hành các chính sách, đưa ra nhiều giải pháp, hành động nhằm bảo vệ không khí, nguồn nước, đất đai và môi trường sống an toàn. Trong đó có khuyến khích phát triển các loại hình giao thông thân thiện với môi trường. Đây không chỉ là lựa chọn cho hiện tại mà còn cho cả tương lai.
Thanh Hải