Đến đầu tháng 6-2020, thu hút đầu tư của ASEAN vào Đồng Nai đạt hơn 5 tỷ USD. Các doanh nghiệp (DN) trong khối chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, nông nghiệp. Dự kiến trong những năm tới, đầu tư của ASEAN vào tỉnh sẽ còn tiếp tục tăng cao.
Đến đầu tháng 6-2020, thu hút đầu tư của ASEAN vào Đồng Nai đạt hơn 5 tỷ USD. Các doanh nghiệp (DN) trong khối chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật, nông nghiệp. Dự kiến trong những năm tới, đầu tư của ASEAN vào tỉnh sẽ còn tiếp tục tăng cao.
Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) thu hút trên 120 nhà đầu tư FDI. Ảnh: H.GIANG |
Theo Sở KH-ĐT, hiện có khoảng 6 quốc gia trong khu vực ASEAN đã đầu tư vào tỉnh. Trong đó, Singapore đang dẫn đầu với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 3,6 tỷ USD, tiếp đến là Thái Lan hơn 1,3 tỷ USD, Brunei gần 1,2 tỷ USD. Còn lại các quốc gia khác chỉ đầu tư vào tỉnh từ 8-200 triệu USD.
* Đa dạng lĩnh vực đầu tư
Đến nay, các DN trong khu vực ASEAN đã đầu tư vào tỉnh khoảng 150 dự án trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Có 122 dự án đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh và 28 dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp. Trên lĩnh vực công nghiệp, đa số các DN ASEAN đầu tư vào sản xuất công nghiệp hỗ trợ, dệt may, thức ăn chăn nuôi, thực phẩm. Dự án ngoài khu công nghiệp phần lớn xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị.
Theo bà Somhatai Panichewa, Tổng giám đốc Công ty CP Amata Việt Nam, Tập đoàn Amata (Thái Lan) chọn Đồng Nai là điểm đến đầu tiên ở Việt Nam để đầu tư. Lĩnh vực tập đoàn rót vốn vào thực hiện là xây dựng hạ tầng Khu công nghiệp Amata (TP.Biên Hòa) với 12 triệu USD. Đây được coi là một trong những khu công nghiệp điển hình của Việt Nam. “Sau khi thành công với Khu công nghiệp Amata, tập đoàn đăng ký thực hiện thêm 2 dự án nữa tại Đồng Nai là Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành với tổng vốn 282 triệu USD và thành phố thông minh (H.Long Thành). Dự án trên đang trong quá trình bồi thường giải phóng mặt bằng để có đất sạch thực hiện” - bà Somhatai Panichewa cho hay. Như vậy sau hơn 20 năm đầu tư vào Đồng Nai, Tập đoàn Amata đã nâng vốn so với ban đầu hơn 30 lần.
Tập đoàn C.P. (Thái Lan) chọn tỉnh là nơi đặt nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi đầu tiên. Sau một thời gian đầu tư vào Khu công nghiệp Biên Hòa 2 thành công, Tập đoàn C.P. đã mở rộng đầu tư sang lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt, chế biến thực phẩm. Hiện Tập đoàn C.P. đã đầu tư ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước và là một trong 10 DN nước ngoài đầu tư vào nông nghiệp lớn nhất Việt Nam.
Ông Montri Suwanposri, Tổng giám đốc Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam cho biết “Khi đầu tư vào Việt Nam, mục tiêu phát triển của C.P. Việt Nam là xây dựng chuỗi sản xuất khép kín từ trang trại đến bàn ăn, mang đến nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng dựa trên triết lý lợi ích cho đất nước, người dân và công ty”.
Các DN Singapore thường chọn liên kết với DN Việt đầu tư vào lĩnh vực bất động sản với các dự án lớn tại TP.Biên Hòa, H.Nhơn Trạch.
* Tăng tính hấp dẫn với các nhà đầu tư
Theo tổng lãnh sự Thái Lan, Singapore, Malaysia... trong những năm tới, Đồng Nai vẫn là địa bàn hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các nước trong khối ASEAN. Nguồn vốn đầu tư vào tỉnh trên các lĩnh vực sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt là hạ tầng, bất động sản, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp...
Ông Kho Ngee Seng Roy, Tổng lãnh sự Singapore tại TP.HCM cho biết: “Singapore đã đầu tư vào Đồng Nai trên 70 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 3,6 tỷ USD, xếp thứ 4 trong các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh. Các DN Singapore đầu tư vào Đồng Nai khá thành công, do đó nhiều DN Singapore đang tìm hiểu và dự tính đầu tư vào tỉnh”. Cũng theo ông Kho Ngee Seng Roy, DN Singapore rất quan tâm đến các dự án hạ tầng giao thông, dịch vụ, nhà ở xã hội, năng lượng mặt trời, xử lý chất thải tại Đồng Nai. Vì thế thời gian tới, sẽ có nhiều DN đến Đồng Nai tìm hiểu các thủ tục để đầu tư. Phía lãnh sự quán sẽ làm cầu nối để DN Singapore hiểu rõ hơn về tỉnh, lựa chọn lĩnh vực đầu tư.
Ông Apira Sugondhabhirom, Tổng lãnh sự Thái Lan tại TP.HCM chia sẻ: “Lĩnh vực DN Thái Lan đang muốn đầu tư vào tỉnh là sản xuất công nghiệp, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật. Thời gian qua có Tập đoàn Amata đầu tư vào tỉnh khá thành công nên sẽ giúp các DN đầu tư mới yên tâm hơn”.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, Đồng Nai tiếp tục sẽ là nơi hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài vì có những lợi thế về hạ tầng giao thông, khí hậu, địa hình. DN đầu tư vào tỉnh giảm chi phí xây dựng nhà xưởng, vận chuyển hàng hóa thuận lợi.
Hương Giang